LHQ công bố các dự án trị giá 120 tỷ USD đầu tư tại các nước nghèo

Một trong số các chuyên gia của LHQ, nhà vận động chống biến đổi khí hậu Mahmoud Mohieldin, cho rằng cần chỉ ra những cơ hội đầu tư tại các nền kinh tế cần nguồn tài trợ nhất.
LHQ công bố các dự án trị giá 120 tỷ USD đầu tư tại các nước nghèo ảnh 1Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập ngày 7/11/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tài chính là vấn đề được tập trung thảo luận tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) trong ngày 9/11, với các chuyên gia của Liên hợp quốc công bố danh sách các dự án trị giá 120 tỷ USD mà các nhà đầu tư có thể tham gia để góp phần giúp các nước nghèo cắt giảm khí thải và thích ứng với các tác động của tình trạng Trái Đất ấm lên.

Dự án dẫn nước trị giá 3 tỷ USD của Lesotho và Botswana, và kế hoạch đầu tư 10 triệu USD để cải thiện hế thống nước ở Mauritius nằm trong danh sách hàng chục dự án nói trên, trong đó có 19 dự án tại châu Phi.

Một trong số các chuyên gia của Liên hợp quốc, nhà vận động chống biến đổi khí hậu Mahmoud Mohieldin, cho rằng cần chỉ ra những cơ hội đầu tư tại các nền kinh tế cần nguồn tài trợ nhất.

Trong nỗ lực giải đáp lo ngại của các nhà đầu tư trong lĩnh vực tư rằng việc tăng cường đầu tư vào các thị trường mới nổi là quá rủi ro, các chuyên gia đã tập hợp các dự án có thể được tài trợ nhanh hơn.

[COP27: Tài chính công bằng là chìa khóa để thúc đẩy hành động khí hậu]

Sau một năm gặp gỡ với các bên liên quan trên khắp thế giới, các chuyên gia đã công bố danh sách ban đầu mà các ngân hàng và những bên khác có thể đánh giá.

Ông Mohieldin nói cần có sự phối hợp giữa các đơn vị phát triển dự án và nguồn vốn công, tư để giải phóng tiềm năng đầu tư.

Tuy nhiên, một báo cáo khác được công bố vào ngày 8/11 cho hay các nước đang phát triển cần 1.000 tỷ USD đầu tư từ bên ngoài mỗi năm cho đến năm 2030 cùng với các nguồn vốn riêng để đáp ứng mục tiêu của thế giới về ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Thu hút nguồn vốn cho các nước có thu nhập thấp và trung bình để các nước này có thể xây dựng cơ sở hạ tầng như các cơ sở năng lượng sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch từ lâu là trọng tâm các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, tiến triển đạt được vẫn chậm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục