LHQ kêu gọi dừng sử dụng trẻ em trong quân đội

Liên Hợp Quốc cho rằng còn hàng trăm nghìn trẻ bị buộc phải cầm súng chiến đấu ở những tổ chức vũ trang như Taliban tại Afghanistan.
Hơn 11.000 binh sỹ trẻ em đã được giải thoát khỏi hoạt động quân sự nô lệ trong năm ngoái, nhưng Liên Hợp Quốc cho rằng vẫn còn hàng trăm nghìn trẻ như thế trên toàn thế giới trong sự cai quản của những lãnh chúa quân phiệt như Thomas Lubanga.

Án tuyên 14 năm tù với Lubanga của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) vào ngày thứ Ba được coi là một dấu ấn lịch sử, theo Radhika Coomaraswamy - người vừa kết thúc nhiệm kỳ sáu năm làm đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về trẻ em trong xung đột.

Tội ác tuyển mộ và sử dụng trẻ em làm lính “sẽ được khắc vào đá, không ai có thể nói là họ không biết chuyện đó,” Coomaraswamy nói trong một cuộc phỏng vấn với AFP.

Các chính phủ trên thế giới đều đã bắt đầu hiểu được thông điệp đó, chỉ có quốc gia của Lubanga, Cộng hòa dân chủ Congo, và Sudan là những nước vẫn là mục tiêu của Liên Hợp Quốc trong chiến dịch chấm dứt sử dụng trẻ em trong quân đội chính quy từ giờ tới năm 2015.

Liên Hợp Quốc cho rằng còn hàng trăm nghìn trẻ bị buộc phải cầm súng chiến đấu ở những tổ chức vũ trang như Taliban tại Afghanistan, lãnh chúa khét tiếng Bosco Ntaganda ở Congo hay nhóm Shebab ở Somalia, Ansar Dine ở Mali và các nhóm vũ trang không chính quy khác trên toàn thế giới.

Binh lính tuổi thành niên là một vấn đề của loài người từ khi có chiến tranh. Alexander Đại Đế đã huấn luyện binh sỹ trẻ em và các quân đội trong cả hai cuộc thế chiến tuyển mộ và sử dụng nhiều binh sỹ trẻ em. Nhưng việc này đã giảm mạnh trong 20 năm qua, theo lời Coomaraswamy.

“Ông Lubanga là một trường hợp kinh điển từ các cuộc chiến ở Phi châu thời 1990, trong đó trẻ em bị bắt cóc, cho sử dụng ma túy rồi dùng làm binh sỹ,” Coomaraswamy nói. Trong những cuộc nội chiến trên thế giới, ma túy được dùng để khiến các em nhỏ quay lưng lại với gia đình. Các bé gái thì bị bắt làm nô lệ tình dục, binh sỹ, hoặc cả hai.

Coomaraswamy nói sự thành công của bà trong cuộc chiến là nhờ vào những đe dọa của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ trừng phạt các nước không chấp nhận chấm dứt việc sử dụng binh lính trẻ em.

Ngoài hàng chục nghìn binh lính trẻ em đã được giải thoát năm ngoái, 19 kế hoạch hành động đã được các chính phủ ký với nhóm hoạt động của Liên Hợp Quốc, theo bà Coomaraswamy. Myanmar đã chấp bút sau năm năm đàm phán. Hàng chục nghìn trẻ em được cho rằng đang tham gia quân đội chính phủ và các nhóm vũ trang ở nước này.

Chính phủ Somalia ký một thỏa thuận trong tháng này loại khỏi quân đội những binh sỹ dưới 18 tuổi. Đây là một thỏa thuận khác khó khăn và mất nhiều thời gian.

Coomaraswamy tự tin rằng Congo và Sudan sẽ tiếp bước. “Giờ tôi cho rằng chúng ta đang đạt đúng tiến độ tới năm 2015 sẽ không còn quân đội chính quy của chính phủ sử dụng trẻ em.”

Uganda nằm trong danh sách đen của Liên Hợp Quốc, nhưng đã ký thỏa thuận vào năm 2007. “Giờ thì họ đã được loại khỏi danh sách và đang trong cuộc chiến với LRA,” Coomaraswamy nói. Lực lượng quân đội chống đối (LRA) là của Joseph Kony, một nhân vật giống như Ntaganda ở Congo, cũng bị ICC truy nã.

Với những nhóm vũ trang như Taliban và Shebab, vốn coi thường luật pháp quốc tế và từ chối thương lượng, cách duy nhất là vận động người dân địa phương, theo lời Coomaraswamy. Những hoạt động cộng đồng ở Afghanistan đã làm giảm các vụ tấn công vào trường học.

Peter Wittig - đại sứ Đức tại Liên Hợp Quốc và là chủ tịch nhóm hành động trẻ em trong xung đột của Hội đồng bảo an đã ca ngợi những gì Coomaraswamy làm được và nói rằng cần phải mạnh tay hơn nữa.

“Chúng ta phải tính tới những bước tiếp theo làm sao đối phó với những nhóm nổi dậy ở nhiều cuộc xung đột vẫn tiếp tục sử dụng binh lính trẻ em? Có lẽ chúng ta phải nỗ lực hơn nữa và sử dụng mọi phương tiện có trong tay,” Wittig nói. “Quan điểm của tôi là phải có áp lực mạnh và liên tục với những ai từ chối hợp tác với luật pháp quốc tế.”/.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục