LHQ kêu gọi thay đổi đáng kể cách con người đánh giá thiên nhiên

Các quốc gia thuộc Liên hợp quốc sẽ nhóm họp để hoàn tất một hiệp ước có nhiệm vụ ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và hướng nhân loại "sống hài hòa với thiên nhiên" vào giữa thế kỷ này.
LHQ kêu gọi thay đổi đáng kể cách con người đánh giá thiên nhiên ảnh 1Rạn san hô Great Barrier ở ngoài khơi bang Queensland, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/7, báo cáo của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng một nền kinh tế toàn cầu tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn đang phá hủy hành tinh và kêu gọi một cách tiếp cận khác biệt đáng kể về cách con người đánh giá thiên nhiên.

Ban cố vấn khoa học về đa dạng sinh học (IPBES) cho biết, nếu không có sự thay đổi, các mục tiêu về phát triển bền vững và tính công bằng sẽ vẫn nằm “ngoài tầm với.”

Unai Pascual, nhà kinh tế sinh thái tại Đại học Bern (Thụy Sỹ) và là đồng chủ trì cuộc họp của Liên hợp quốc ở Bonn (Đức), cho biết: "Theo cách chúng tôi hiểu, tăng trưởng kinh tế hiện là cốt lõi của cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học. Những đánh giá mới nhằm mục đích đưa các loại giá trị khác nhau vào các quyết định dẫn chúng ta đến sự thay đổi mang tính chuyển đổi."

[Bảo vệ môi trường: Đức đặt mục tiêu đạt 100% điện sạch vào năm 2035]

Khoảng 80 chuyên gia đã thực hiện hơn 13.000 nghiên cứu, xem xét các giá trị dựa trên thị trường góp phần phá hủy các hệ sinh thái như thế nào và những giá trị nào khác có thể thúc đẩy sự bền vững tốt nhất.

Bản tóm tắt gồm 34 trang để gửi các nhà hoạch định chính sách, được phê duyệt vào cuối tuần trước, giữa lúc Liên hợp quốc đang chỉ đạo một quy trình quốc tế nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên.

Vào tháng 12 tới, các quốc gia thuộc Liên hợp quốc sẽ nhóm họp để hoàn tất một hiệp ước có nhiệm vụ ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và hướng nhân loại "sống hài hòa với thiên nhiên" vào giữa thế kỷ này.

Inger Andersen, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, nhận xét: “Thiên nhiên là thứ duy trì tất cả chúng ta. Nó cung cấp cho chúng ta thực phẩm, thuốc men, nguyên liệu thô, ôxy, điều hòa khí hậu và nhiều hơn thế nữa."

Tuy nhiên, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người gấp 5 lần kể từ năm 1950 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới tự nhiên.

Các nhà khoa học cho biết nhiều người vẫn lo sợ rằng sự bền vững chỉ có thể đạt được với cái giá là hạnh phúc, trong khi trên thực tế, một thế giới tự nhiên có thể tự tái tạo là nền tảng cho các xã hội lành mạnh trong tương lai.

Các tác giả IPBES kết luận rằng, việc đánh giá tự nhiên từ nhiều khía cạnh hơn có thể dẫn đến các lựa chọn chính sách tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục