LHQ thúc giục Nam Sudan tôn trọng lợi ích của người dân

Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 3/2 đã yêu cầu lãnh đạo Nam Sudan đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu nhằm mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước vốn bị xé nát vì chiến tranh này.
LHQ thúc giục Nam Sudan tôn trọng lợi ích của người dân ảnh 1Đại diện các phái chính trị Nam Sudan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ tư, trái) và đại diện IGAD sau cuộc đàm phán tại Khartoum. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 3/2 đã lên tiếng thúc giục Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar hãy đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu nhằm mang lại hoà bình và ổn định cho đất nước vốn bị xé nát vì chiến tranh này.

Tuyên bố của ông Ban Ki-moon được đưa ra trong bối cảnh vòng đàm phán mới nhất giữa lực lượng của Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar đã kết thúc cuối tuần qua với một thoả thuận ngừng bắn và để ông Kiir sẽ tiếp tục làm Tổng thống trong chính quyền mới với cấp phó là ông Machar.

Hai lãnh đạo này cũng nhất trí tiến hành vòng đàm phán tiếp theo vào ngày 20/2 tới nhằm ký một thỏa thuận toàn diện về chấm dứt khủng hoảng vào ngày 5/3.

Trong tuyên bố với báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các bên chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo nhằm chấm dứt hoàn toàn xung đột, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với cả hai bên trong việc nhất trí về một thoả thuận hoà bình toàn diện.

Ông Ban Ki-moon cũng cam kết Liên hợp quốc cùng các đối tác khác sẵn sàng trợ giúp các nhà trung gian trong thúc đẩy tiến trình hòa bình tại quốc gia châu Phi này.

Nam Sudan tách khỏi Sudan năm 2011 sau nhiều thập kỷ xung đột vũ trang. Tuy nhiên, quốc gia non trẻ nhất thế giới này lại rơi vào vòng xoáy bạo lực từ tháng 12/2013, khi Tổng thống Kiir cáo buộc cấp phó của mình, ông Machar, âm mưu đảo chính.

Đụng độ giữa lực lượng quân đội trung thành với ông Kiir và các tay súng ủng hộ ông Machar đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng và lôi kéo khoảng 20 nhóm vũ trang vào cuộc.

Ít nhất 6 thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn đã được ký kết giữa các bên sau 8 cuộc đàm phán do Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) tổ chức. Tuy nhiên, các thỏa thuận này đã nhiều lần bị phá vỡ.

IGAD cảnh báo nếu thỏa thuận vừa đạt được tiếp tục bị vi phạm thì cần đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Hội đồng Hòa bình của Liên minh châu Phi (AU) để đề nghị có "các biện pháp cứng rắn."

Cuộc khủng hoảng khiến khoảng 1,9 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hơn 7 triệu người đứng trước nguy cơ bị đói nghèo và dịch bệnh hành hạ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục