Libya: Lực lượng của Tướng Haftar không chấp nhận đối thoại

Ngày 7/9, Lực lượng quân đội miền Đông của Tướng Khalifa Hafta Haftar đã không chấp nhận lời kêu gọi của Liên hợp quốc để ngồi vào bàn đàm phán.
Libya: Lực lượng của Tướng Haftar không chấp nhận đối thoại ảnh 1Hiện trường vụ đánh bom xe tại Benghazi, miền đông Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 7/9, Lực lượng quân đội miền Đông của Tướng Khalifa Hafta Haftar đã không chấp nhận lời kêu gọi của Liên hợp quốc để ngồi vào bàn đàm phán. Tướng Ahmed al-Mesmari-phát ngôn viên của Lực lượng quân đội miền Đông, cho rằng giải pháp quân sự là cách thức tốt nhất để chấm dứt xung đột hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này.

Trong cuộc họp báo tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)-một trong những nước ủng hộ lực lượng Haftar, Tướng al-Mesmari khẳng định trận chiến tại Tripoli đang ở giai đoạn cuối. “Khi súng nổ, các biện pháp ngoại giao bất lực, không còn thời gian để quay lại đối thoại. Quân sự là cách thức hữu hiệu nhất để khôi phục an ninh và áp đặt lại luật pháp.

Libya chìm trong bất ổn và hỗn loạn kể từ cuộc chính biến 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Hiện ở Libya tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ đoàn kết dân tộc do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận và các nhóm dân quân hậu thuẫn, hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Hafta Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông. Đầu tháng 4/2019, Lực lượng quân đội miền Đông đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ đoàn kết dân tộc, dẫn tới các cuộc giao tranh ở các vùng ngoại ô làm 1.000 người thiệt mạng và 120.000 người phải đi sơ tán.

[Báo động nguy cơ cuộc chiến tại Libya ngày càng leo thang]

Đến nay, gần 5 tháng sau khi xung đột nổ ra, Lực lượng quân đội miền Đông đang bế tắc khi gặp phải sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc ở ngoại ô phía Nam Tripoli.

Thủ tướng Sarraj của Chính phủ đoàn kết dân tộc nhận được sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, trong khi Lực lượng quân đội miền Đông có được nhiều sự hỗ trợ khác nhau từ Ai Cập, UAE, Mỹ, Nga và Pháp.

Ngày 4/9, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Libya Ghassan Salame cảnh báo nếu Hội đồng Bảo an LHQ không có hành động cụ thể, xung đột giữa các bên Libya sẽ leo thang mạnh mẽ, trong bối cảnh các lực lượng bên ngoài tăng cường can thiệp. Dư luận cũng lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc nội chiến mới và thảm hoạ nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục