Liên hợp quốc kêu gọi Burundi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi chính quyền và các phe phái Burundi nối lại ngay lập tức các cuộc đàm phán nhằm tái lập hòa bình và an ninh tại quốc gia Trung Phi này.
Liên hợp quốc kêu gọi Burundi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình ảnh 1Quân nhân Burundi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi chính quyền và các phe phái Burundi nối lại ngay lập tức các cuộc đàm phán nhằm tái lập hòa bình và an ninh tại quốc gia Trung Phi này.

Cơ quan cao nhất của Liên hợp quốc cũng ủng hộ kế hoạch của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cử một quan chức cấp cao của tổ chức này đến Burundi với vai trò trung gian hòa giải để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại đây.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng bạo lực đang leo thang nguy hiểm ở Burundi, nếu các cuộc đàm phán giữa chính quyền và các phe phái đối lập không được khởi động lại.

Pháp cũng yêu cầu Liên hợp quốc tổ chức cuộc họp khẩn cấp để giải quyết tình trạng bạo lực đẫm máu đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát tại quốc gia châu Phi này.

Cuộc đàm phán giữa chính phủ và các phe phái đối lập Burundi đã bị phá vỡ từ ngày 19/7, do bất đồng sâu sắc về tiến trình thay đổi Hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống.

Quốc gia châu Phi này đã rơi vào các cuộc xung đột đẫm máu kể từ khi Tổng thống Pierre Nkurunziza quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba và tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào trung tuần tháng Bảy vừa qua.

Bất chấp việc cộng đồng quốc tế lên án cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp, ông vẫn tuyên bố là người thắng cử.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Burundi, bao gồm việc cấm các quan chức cấp cao của quốc gia này xuất cảnh, nếu tình hình chính trị và an ninh không được cải thiện, nhất là các cuộc bạo động đẫm máu không chấm dứt.

Theo các nhà quan sát quốc tế, ít nhất 94 người đã thiệt mạng và khoảng 600 người đang bị bắt hoặc bị giam giữ.

Đặc biệt, hàng chục nghìn người dân vô tội đã phải rời bỏ quê hương sang lánh nạn tại các nước láng giềng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Phi này hồi tháng 4/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục