Liên hợp quốc tổ chức Diễn đàn Người Tị nạn Toàn cầu lần thứ 2

Mục tiêu chính của diễn đàn là tăng cường hiệu quả viện trợ cho những người chạy trốn khỏi bạo lực và các cuộc khủng hoảng, đồng thời cải thiện sự phối hợp toàn cầu về vấn đề này.

Người dân sơ tán khỏi Sudan tới cửa khẩu Argeen, Ai Cập, ngày 27/4/2023. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Người dân sơ tán khỏi Sudan tới cửa khẩu Argeen, Ai Cập, ngày 27/4/2023. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, từ ngày 13-15/12, Thụy Sĩ phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tổ chức Diễn đàn Người Tị nạn Toàn cầu lần thứ 2.

Mục tiêu chính của diễn đàn là tăng cường hiệu quả viện trợ cho những người chạy trốn khỏi bạo lực và các cuộc khủng hoảng, đồng thời cải thiện sự phối hợp toàn cầu về vấn đề này.

Diễn đàn sẽ đánh giá việc thực hiện Hiệp ước Toàn cầu về Người Tị nạn và tìm cách tăng cường cam kết của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này. Tại diễn đàn, Thụy Sĩ sẽ tái khẳng định ủng hộ đối với việc bảo vệ và hội nhập của người tị nạn cả ở Thụy Sĩ và nước ngoài.

Ngoài chính phủ liên bang, các bang, thành phố và tổ chức xã hội của Thụy Sĩ sẽ tham gia đóng góp ý kiến cho nỗ lực này.

Dự kiến, hơn 4.200 đại biểu từ hơn 100 quốc gia sẽ tham gia diễn đàn diễn ra bốn năm một lần này. Sự kiện năm nay do Thụy Sĩ và UNHCR phối hợp với Colombia, Pháp, Nhật Bản, Jordan và Uganda tổ chức.

Một số đại diện cấp cao từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân cũng sẽ tham dự. Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng tạo điều kiện cho gần 100 người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới tham gia diễn đàn năm nay.

Thời gian qua, số người buộc phải di tản trên toàn cầu gia tăng mạnh mẽ do nhiều cuộc xung đột và khủng khoảng xảy ra. Trong số này có hơn 117 triệu người nằm trong nhóm tị nạn, đặt ra những thách thức đáng kể cho cộng đồng quốc tế.

Diễn đàn sẽ tạo cơ hội thảo luận về các giải pháp tiềm năng cho những thách thức này và huy động sự hỗ trợ quốc tế để thực hiện Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn.

Mục tiêu của Hiệp ước Toàn cầu về Người Tị nạn là giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia tiếp nhận, thúc đẩy khả năng tự lực của người tị nạn, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ ở các nước thứ ba và cải thiện điều kiện ở các quốc gia xuất xứ của người tị nạn để giúp họ quay trở lại quê hương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục