Liên minh Âu-Mỹ: Bước đột phá hay sẽ lại tiếp nối di sản?

Khi giới truyền thông đưa tin ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ, hy vọng các nước EU khôi phục quan hệ với Mỹ đã được thắp lên.
Liên minh Âu-Mỹ: Bước đột phá hay sẽ lại tiếp nối di sản? ảnh 1Ông Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Liên hợp buổi sáng, năm 2013, ứng cử viên Tổng thống của nước Mỹ Joe Biden đã được nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi là “người bạn cũ.” Tuy nhiên, hiện nay, dường như ông Biden lại đang có thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh.

Các chuyên gia cho rằng vấn đề mấu chốt của sự thay đổi thái độ này nằm ở chỗ lợi ích quốc gia đã chiến thắng tình cảm cá nhân. Thái độ của ông Biden đối với Trung Quốc đã chuyển từ “không phải là đối thủ cạnh tranh” sang “phải cứng rắn với Trung Quốc.”

Ứng cử viên được truyền thông Mỹ gọi tên cho vị trí Tổng thống tuyên bố sẽ phối hợp với đồng minh để ứng phó với Trung Quốc. Ngày 16/11, ông phát biểu rằng Washington phải đứng cùng với các nền dân chủ khác để thúc đẩy các quy tắc của Mỹ và đồng minh được thực hiện trên thế giới, chứ không phải đứng nhìn Trung Quốc và các nước khác áp đặt mệnh lệnh.

Đồng minh mà ông Biden đề cập đến chủ yếu là Liên minh châu Âu (EU). Sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, quan hệ Mỹ-EU rơi xuống mức thấp nhất, nên khi giới truyền thông đưa tin ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ, hy vọng các nước EU khôi phục quan hệ với Mỹ đã được thắp lên.

Trung Quốc - một đối tác hợp tác, một đối thủ cạnh tranh

Quan hệ hợp tác giữa Mỹ và EU có nền tảng vững chắc, hai bên có quan điểm về giá trị, mô hình kinh tế và chính trị tương đồng. Trong suốt chiều dài hơn 70 năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ và châu Âu đã cùng nhau duy trì trật tự quốc tế dưới sự lãnh đạo của Mỹ, kết hợp thành liên minh quân sự bảo vệ an ninh, cùng cam kết mở cửa thị trường định hình hệ thống thương mại quốc tế.

Mặc dù quan hệ Mỹ-EU thỉnh thoảng xuất hiện xung đột lợi ích và nhận thức, nhưng việc tiếp tục phát triển quan hệ xuyên Đại Tây Dương luôn là mong mỏi của cả hai bên. Tuy nhiên, việc sử dụng quan hệ xuyên Đại Tây Dương để ứng phó với Trung Quốc chưa mang lại bất kỳ hiệu quả nào trên thực tế.

[Bầu cử Mỹ: Những điều không thể đảo ngược trong quan hệ Mỹ-EU]

Ý tưởng Mỹ bắt tay với EU để đối trọng với Trung Quốc là sự kéo dài di sản chính sách của Chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc. Do vậy, chính sách của ông Biden đối với Trung Quốc nếu ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ sẽ mang nặng dấu ấn của Chính quyền Tổng thống Trump.

Ngày 16/11, trong chuyến thăm Paris và trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi đồng minh châu Âu đoàn kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh “nếu chúng ta từ bỏ thì có một ngày sẽ phát hiện ra mình trở thành thuộc địa của Chính phủ Trung Quốc, chứ không phải tiếp tục là quan hệ đối tác.”

Trong khi đó, EU mong muốn bắt tay để đối phó với Trung Quốc và đã chịu ảnh hưởng của chính quyền Trump. Chính sách của Chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc đã làm thay đổi nhận thức của EU về Trung Quốc, thông qua hàng loạt các vấn đề như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, dịch COVID-19 và câu chuyện Hong Kong (Trung Quốc)… làm cho EU ngày càng thừa nhận đánh giá của Chính quyền Tổng thống Trump về Trung Quốc.

Ngày 8/11, khi trả lời phỏng vấn tờ La Repubblica của Italia, Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu (EPP), lãnh đạo đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu Manfred Weber phát biểu: “Chúng ta nên cung cấp một quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mới cho Tổng thống tiếp theo của Mỹ, dựa trên phương châm thỏa thuận thương mại và cùng ứng phó Trung Quốc.”

Ông nhấn mạnh rằng mặc dù châu Âu sẽ có nhiều điểm khác biệt so với cách tiếp cận của ông Trump, nhưng quan điểm đối với Trung Quốc là chính xác và không thay đổi, nghĩa là Trung Quốc là một đối thủ chiến lược.

Ngày 13/11, đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell có bài viết cho rằng EU không phản đối sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như lợi ích mang lại cho người dân từ quá trình này, nhưng không cho phép Bắc Kinh lấy lợi ích và giá trị của EU làm chi phí để bành trướng trên trường quốc tế.

Đây chính là lý do tại sao EU xác định phương châm kép, xem Trung Quốc là một đối tác hợp tác quan trọng, nhưng đồng thời cũng là một đối thủ cạnh tranh.

Việc ông Biden được truyền thông Mỹ đưa tin đã trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo của Mỹ giúp châu Âu tràn đầy hy vọng đưa quan hệ xuyên Đại Tây Dương quay trở lại quỹ đạo bình thường.

Bước đột phá hay sự tiếp nối những di sản?

Ngày 17/11, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã có bài viết “Tình trạng hỗn loạn tái định hình trật tự thế giới, cân nhắc lại quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương” trên tờ Le Monde, trong đó cho rằng việc ứng viên Biden đang giành những lợi thế nhất định trong cuộc bầu cử Tổng thống đã đặt cơ sở cho việc tăng cường tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương để ứng phó với những những quốc gia cố ý phớt lờ trật tự quốc tế hoặc cân bằng khu vực, nhằm xây dựng quyền lực của mình. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ khả năng đối thoại và hợp tác.

Ngày 18/11, hãng truyền thông DW của Đức công bố kết quả khảo sát do các chuyên gia tiến hành đối với người dân 13 nước châu Âu cho thấy người Đức không đánh giá cao Trung Quốc, với kết quả chỉ đạt 35,4/100 điểm, thấp hơn Nhật Bản (55 điểm) và vùng lãnh thổ Đài Loan (46,4 điểm).

Trong khi đó, đánh giá của người Đức đối với Mỹ là 39,2 điểm, cao hơn chút so với Trung Quốc. Hơn 46% người Đức được khảo sát cho rằng quan điểm của họ về Trung Quốc ngày càng tiêu cực trong 3 năm gần đây, có đến 62,5% có cảm giác không tin tưởng đối với Trung Quốc, cao hơn mức 60,1% của Nga.

Ý tưởng Mỹ và EU bắt tay để đối phó với Trung Quốc không phải là sáng tạo của ông Biden. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã nỗ lực bắt tay EU để ứng phó với Trung Quốc.

Cụ thể trong vấn đề tập đoàn công nghệ Huawei, việc nhiều quốc gia châu Âu đã từ bỏ sử dụng thiết bị viễn thông 5G của Huawei có liên quan chặt chẽ đến chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ngày 24/6, ông Mike Pompeo nhấn mạnh các nước Cộng hòa Séc, Ba Lan, Thụy Điển, Estonia, Romania, Đan Mạch, Latvia và Hy Lạp đều từ bỏ không sử dụng thiết bị của Huawei. Đương nhiên, nguyên nhân cơ bản quyết định là kết quả đến từ sự cân bằng lợi ích và thiệt hại của những nước này.

Ngày 5/8, ông Mike Pompe tuyên bố mở rộng sáng kiến “Mạng sạch” của Mỹ. Cái gọi là “Mạng sạch” bao gồm nhà cung cấp sạch, đảm bảo loại các nhà cung ứng Trung Quốc ra khỏi mạng viễn thông của Mỹ; kho ứng dụng sạch, xóa bỏ các chương trình ứng dụng của Trung Quốc đe dọa quyền riêng tư, phát tán thông tin tuyên truyền và không đúng sự thật; ứng dụng sạch, ngăn chặn những nhà sản xuất điện thoại thông minh không có uy tín của Trung Quốc cài đặt sẵn các chương trình ứng dụng; đám mây sạch, ngăn chặn thông tin cá nhân nhạy cảm của công dân Mỹ và quyền sở hữu trí tuệ quý giá của các công ty Mỹ… lưu trữ và xử lý trên hệ thống đám mây không bị các công ty như Alibaba, Tencen, Baidu… truy cập; cáp sạch, đảm bảo cáp Internet dưới biển kết nối Mỹ với thế giới không bị xâm hại, tránh bị Trung Quốc thu thập thông tin tình báo quy mô lớn.

Ngày 10/11, ông Mike Pompeo cho biết đã có gần 50 quốc gia và 170 công ty viễn thông tham gia vào chương trình “Mạng sạch” của Mỹ.

Những quốc gia này bao gồm 27/30 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), 26/27 nước thành viên của EU. Nguyên nhân cơ bản quyết định tham gia chương trình “Mạng sạch” là kết quả từ việc cân bằng lợi ích và thiệt hại của những nước này.

Thứ hai, tuyên bố ba bên Mỹ-Nhật Bản-EU. Trong thời gian diễn ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Mỹ-Nhật Bản-EU đã nhiều lần đưa ra tuyên bố ba bên nhằm thay đổi quy tắc trợ cấp sản xuất toàn cầu, mục đích chính là muốn hạn chế các biện pháp mà họ cho rằng Trung Quốc đã làm méo mó thương mại toàn cầu.

Mục tiêu của ba bên là đưa ra những quy định về trợ cấp sản xuất và doanh nghiệp nhà nước khắt khe hơn so với các nước thành viên khác trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đồng thời bắt đầu đàm phán về những quy định này.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer có bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs nhấn mạnh, hợp tác giữa Mỹ và đồng minh rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, về vấn đề Trung Quốc, lợi ích của đồng minh và Mỹ không phải lúc nào cũng giống nhau, điều này khiến cho đồng minh của Mỹ có những hành động táo bạo và cụ thể, lời nói bao giờ cũng dễ hơn hành động.

Ý tưởng Mỹ và EU bắt tay để đối phó Trung Quốc khó đạt được hiệu quả thực tế. Trước mắt, dường như ứng viên Biden và EU tin tưởng có thể hợp tác để ứng phó với Trung Quốc, nhưng con đường của họ vẫn được đặt dưới khuôn khổ của chủ nghĩa đa phương, sử dụng hệ thống quy tắc quốc tế để ràng buộc và hướng đến mục đích cuối cùng là thay đổi Trung Quốc.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh việc sử dụng quy tắc quốc tế để thay đổi Trung Quốc một cách ảo tưởng là cầm chắc thất bại.

Điển hình mới nhất là tuyên bố chung ba bên Mỹ-Nhật Bản-EU, liệu tuyên bố ba bên này có thể thay đổi quy tắc của WTO hay không? Câu trả lời tuyệt đối là không bao giờ. Trên nền tảng chủ nghĩa đa phương của WTO, vòng đàm phán Doha khởi động từ năm 2001 không đạt được thỏa thuận tự do hóa thương mại, quá trình đàm phán kéo dài gần 20 năm không mang lại kết quả rõ ràng.

Việc Mỹ, Nhật Bản và EU muốn dùng một bộ quy tắc nhằm vào Trung Quốc làm cho các nước thành viên WTO chấp nhận, về cơ bản là một chuyện khôi hài.

Thời kỳ các nước phương Tây sử dụng quy tắc quốc tế để ràng buộc và thay đổi Trung Quốc đã qua đi. Trung Quốc giờ đây kiên quyết bước đi trên con đường chủ nghĩa xã hội và không chịu sự ràng buộc của các quy tắc quốc tế.

Giữa Mỹ và EU có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, hơn nữa bắt tay để ứng phó với Trung Quốc là vấn đề không phù hợp thực tế. EU không phải là một quốc gia, cơ chế quyết sách của khối này đã chứng minh EU rất khó điều phối hài hòa lợi ích của các nước thành viên. Trong đó, việc Italy tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) chính là nét phác họa về mâu thuẫn nội bộ EU.

Mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa EU và Trung Quốc là rất lớn, nên rất khó hình dung EU sẽ mạnh tay ứng phó với Trung Quốc như thế nào.

Trong khi đó, câu chuyện ứng viên Biden muốn bắt tay EU để đối phó với Trung Quốc nghe ra có vẻ rất tươi mới, nhưng trên thực tế chỉ là việc làm mới lại di sản của cựu Tổng thống Barack Obama./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục