Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại cuộc họp hôm 30/9 ở Brussels, các Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một gói các biện pháp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng mà toàn châu lục hiện đang trải qua, trên cơ sở các đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra.
Các quốc gia thành viên cam kết giảm tiêu thụ điện 5% trong giờ cao điểm. Đây là một nghĩa vụ, chủ yếu sẽ thông qua việc thực hiện các công cụ quản lý nhu cầu. Những người tiêu dùng lớn sẽ chấp nhận hạn chế nhu cầu của họ trong những giờ này khi giá cao nhất. Mức giảm tiêu thụ nói chung là 10% cũng được chấp nhận, nhưng trên cơ sở tự nguyện.
[Liên minh châu Âu vẫn bất đồng về việc áp giá trần khí đốt]
Các Bộ trưởng cũng xác nhận hai cơ chế được phát triển để thu lợi nhuận vượt mức từ các công ty năng lượng.
Liên quan đến các nhà sản xuất điện chi phí thấp (hạt nhân, tái tạo, than non), được hưởng lợi khi giá điện trên thị trường phù hợp trong hầu hết các trường hợp với chi phí sản xuất từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, mức trần doanh thu là 180 euro/MWh sẽ được thiết lập.
Doanh thu vượt mức trần này sẽ được coi là lợi nhuận vượt quá và có thể bị các quốc gia thành viên thu giữ để phân phối lại cho người tiêu dùng cuối cùng, các cá nhân và doanh nghiệp, những người đang phải đối mặt với các hóa đơn tăng vọt.
Ngoài ra, khoản đóng góp chia sẻ cũng sẽ được áp dụng đối với các công ty năng lượng hoạt động trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, than đá và lọc dầu, áp dụng cho lợi nhuận chịu thuế vượt 120% lợi nhuận trung bình trong bốn năm tài chính gần nhất.
Mức đóng góp này ít nhất phải là 33% và số tiền thu được cũng phải được phân bổ để đóng góp vào các biện pháp hỗ trợ cho những người tiêu dùng cuối cùng dễ bị tổn thương nhất.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận giữa các Bộ trưởng Năng lượng EU vẫn chưa kết thúc vì họ vẫn phải giải quyết vấn đề hóc búa về mức trần giới hạn chung đối với giá khí đốt ở châu Âu.
Biện pháp này hiện đang được 15 quốc gia yêu cầu trong đó có Bỉ, Pháp, Italy, Tây Ban Nha… nhưng vấp phải sự phản đối của EC và Đức, do lo ngại rằng nó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của nguồn cung./.