Liên minh châu Âu và Mỹ đối thoại hạ nhiệt tranh chấp thương mại

Ngày 17/5, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các biện pháp trả đũa liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu nhôm và thép
Liên minh châu Âu và Mỹ đối thoại hạ nhiệt tranh chấp thương mại ảnh 1EU và Mỹ đối thoại hạ nhiệt tranh chấp thương mại. (Ảnh: USEU.usmission.gov/TTXVN)

Căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương có dấu hiệu giảm nhiệt khi ngày 17/5, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các biện pháp trả đũa liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu nhôm và thép mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với liên minh này. 

Trong một tuyên bố, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis và Đại diện Thương mại Mỹ  Katherine Tai thông báo khởi động các cuộc thảo luận nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung sắt thép trên toàn cầu cũng như vai trò quá lớn của Trung Quốc trong vấn đề này.

Châu Âu cũng sẽ tạm trì hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, theo như dự kiến ban đầu là sẽ tăng thuế từ ngày 1/6 tới. Tuyên bố của các quan chức thương mại châu Âu và Mỹ cũng nhấn mạnh hai bên nhất trí tránh để những thay đổi trong vấn đề này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại song phương.

[EU, Mỹ khởi động đàm phán để giải quyết tranh chấp về thuế quan]

Những đề xuất mang tính hòa giải trên là động thái mới nhất sau những tranh cãi thương mại căng thẳng từ tháng 6/2018, thời điểm mà Tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump đã quyết định áp thuế 25% đối với sản phẩm sắt và 10% đối với sản phẩm nhôm nhập khẩu từ các nước châu Âu, châu Á và một số đối tác thương mại khác.

Đáp trả động thái này, EU đã quyết định tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 2,8 tỷ USD nhập khẩu của Mỹ, trong đó có các sản phẩm chính như whiskey, quần jean, nước ép cam và xe máy Harley-Davidson.

Tháng 3 vừa qua,  EU và Mỹ đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa lẫn nhau trong vòng 4 tháng liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing, vốn kéo dài suốt hai thập kỷ.

Tuy nhiên, hai bên còn đang tranh cãi về thuế kỹ thuật số mà Pháp, Tây Ban Nha cùng một số nước EU khác áp đối với các hãng công nghệ lớn của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục