Liệu Ấn Độ có thể trở thành công xưởng thế giới thay Trung Quốc?

Theo các chuyên gia, thời điểm đã chín muồi để Ấn Độ thực hiện các cải cách cơ cấu toàn diện và tận dụng những thay đổi địa chính trị sâu rộng này để cải thiện mối quan hệ thương mại với thế giới.
Công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp ôtô ở Ahmedabad, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)
Công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp ôtô ở Ahmedabad, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Trong bối cảnh hàng triệu người trên khắp thế giới bị mắc COVID-19, Trung Quốc đang phải đối mặt với một làn sóng phản ứng dữ dội toàn cầu chưa từng thấy có thể đe dọa vị thế của nước này như là công xưởng được lựa chọn của thế giới.

Nước láng giềng Ấn Độ đã nhận ra cơ hội và nóng lòng muốn khỏa lấp chỗ trống mà họ hy vọng Trung Quốc sớm tạo ra.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari đánh giá vị thế toàn cầu suy yếu của Trung Quốc là một cơ hội để Ấn Độ thu hút thêm đầu tư.

Bang miền Bắc Uttar Pradesh, nơi có dân số tương đương Brazil, đã thành lập một nhóm đặc trách kinh tế phụ trách thu hút những công ty có ý định rời khỏi Trung Quốc.

[Chuỗi cung ứng toàn cầu gây sức ép đến kinh doanh của Trung Quốc]

Ấn Độ cũng đã phát triển một quỹ đất rộng gần gấp đôi diện tích của Luxembourg (4.600 km2) để chào đón những công ty muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đã tiếp cận 1.000 công ty đa quốc gia của Mỹ.

Deepak Bagla, Giám đốc điều hành của Invest India, cơ quan xúc tiến đầu tư của Chính phủ Ấn Độ, xác nhận với BBC: "Việc tiếp cận này đang diễn ra. Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ càng đẩy nhanh tiến trình nhiều công ty giảm bớt rủi ro từ Trung Quốc."

Hội đồng kinh doanh Mỹ-Ấn (USIBC), một nhóm vận động hành lang với mục tiêu tăng cường dòng vốn đầu tư giữa hai nước, cũng khẳng định Ấn Độ đang thúc đẩy đáng kể các nỗ lực vận động của nước này.

Nisha Biswal, Chủ tịch USIBC và cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, cho biết Ấn Độ đang ưu tiên các nỗ lực thu hút chuỗi cung ứng, ở cả cấp trung ương và địa phương, những công ty đã có sẵn một số hoạt động sản xuất ở Ấn Độ có lẽ sẽ sớm giảm công suất tại các nhà máy ở Trung Quốc và tăng quy mô sản xuất ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, bà Biswal cũng lưu ý mọi thứ vẫn trong giai đoạn đánh giá và các quyết định sẽ không được đưa ra một cách vội vã.

Trong một môi trường nơi các bảng cân đối tài chính toàn cầu bị phá vỡ, việc di dời toàn bộ chuỗi cung ứng là "nói dễ hơn làm."

Nhà kinh tế độc lập Rupa Subramanya nêu rõ: "Nhiều trong số các công ty này đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về tiền mặt và vốn vì đại dịch, do đó họ sẽ rất thận trọng trước khi thực hiện những động thái nhanh chóng."

Theo ông Rahul Jacob, một nhà phân tích về Trung Quốc lâu năm và từng là Trưởng đại diện tờ Financial Times ở Hong Kong (Trung Quốc), việc Chính phủ Ấn Độ chuẩn bị sẵn quỹ đất là một bước đi đúng hướng, nhưng các công ty lớn khó có thể chuyển hoạt động chỉ vì có sẵn mặt bằng.

Ông nhấn mạnh: "Các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng gắn kết với nhau nhiều hơn là người ta nghĩ. Rất khó để tách chúng ra chỉ sau một đêm. Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng tích hợp như cảng lớn và đường cao tốc, lao động chất lượng hàng đầu và ngành logistics hiện đại, tất cả đều là những yếu tố quan trọng để đáp ứng thời hạn nghiêm ngặt mà các công ty quốc tế hoạt động."

Một lý do nữa khiến Ấn Độ có thể không phải là lựa chọn rõ ràng cho các công ty đa quốc gia toàn cầu là nước này không hòa nhập tốt với các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn. Năm ngoái, New Delhi đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bất chấp 7 năm đàm phán.

Những quyết định như vậy khiến các nhà xuất khẩu Ấn Độ khó hưởng lợi từ việc tiếp cận miễn thuế các thị trường đích hoặc đạt hiệu quả có đi có lại với các đối tác thương mại của mình.

Parag Khanna, tác giả cuốn “Tương lai là của châu Á,” nói: "Tại sao tôi lại sản xuất ở Ấn Độ một sản phẩm nào đó mà tôi muốn bán cho Singapore? Kết nối thể chế trong các hiệp định thương mại quan trọng không kém việc đưa ra mức giá cạnh tranh."

Ông Khanna tin rằng, hội nhập khu vực đặc biệt quan trọng, khi thương mại toàn cầu bắt đầu phát triển theo mô hình "bán nơi bạn tạo ra." Trong mô hình đó, các công ty đưa sản xuất đến gần hơn với nhu cầu.

Sự thiếu ổn định trong chính sách của Ấn Độ về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và quy định không đồng nhất cũng là yếu tố gây khó cho các công ty toàn cầu.

Từ việc cấm các công ty thương mại điện tử bán các mặt hàng không thiết yếu đến điều chỉnh các quy định FDI để không cho phép dòng vốn dễ dàng tiếp cận từ các nước láng giềng, người ta lo ngại Ấn Độ đang lợi dụng đại dịch COVID-19 để dựng lên những bức tường bảo hộ xung quanh mình.

Liệu Ấn Độ có thể trở thành công xưởng thế giới thay Trung Quốc? ảnh 1Nhiều tập đoàn toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Trong phát biểu gần đây trên truyền hình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi "hãy lên tiếng vì thị trường nội địa." Trong khi đó, các đề xuất kích thích mới đã nâng cao tiêu chuẩn đối với các công ty nước ngoài muốn đấu thầu giành hợp đồng tại Ấn Độ.

Bà Biswal nhấn mạnh: "Ấn Độ càng cải thiện tính ổn định về pháp lý, họ càng có nhiều cơ hội thuyết phục các doanh nghiệp toàn cầu thành lập các trung tâm ở Ấn Độ."

Khi mọi thứ trở nên ổn định, Việt Nam, Bangladesh, Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) dường như là những điểm đến ưa thích khi doanh nghiệp cân nhắc rời khỏi Trung Quốc. Hàn Quốc và Đài Loan ở đầu công nghệ cao còn và Việt Nam và Bangladesh ở cấp độ gia công thấp hơn.

Các công ty đa quốc gia bắt đầu chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước này gần một thập kỷ trước do các chi phí về lao động và môi trường ở Trung Quốc tăng cao. Việc dịch chuyển chậm chạp chỉ tăng tốc khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng những năm gần đây.

Ấn Độ được xem như kẻ đứng ngoài vì không tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty đa quốc gia cung cấp cho thị trường trong nước và sử dụng quốc gia này làm cơ sở sản xuất để xuất khẩu ra thế giới.

Trong những tuần gần đây, một số bang đã bắt đầu có những chuyển động nhằm giải quyết mối quan ngại về môi trường kinh doanh, trong đó có những thay đổi gây tranh cãi về luật lao động lâu đời của Ấn Độ.

Chẳng hạn, các bang Uttar Pradesh và Madhya Pradesh đã đình chỉ các biện pháp bảo vệ lao động quan trọng, miễn cho các nhà máy khỏi phải duy trì các yêu cầu cơ bản như đảm bảo vệ sinh, ánh sáng, thông thoáng, nhằm mục đích cải thiện môi trường đầu tư và thu hút vốn toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Rahul Jacob cho rằng những quyết định như vậy có thể trở nên phản tác dụng. Theo ông, các công ty quốc tế sẽ rất cảnh giác về vấn đề này. Họ có những quy tắc nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, môi trường và an toàn đối với các nhà cung cấp.

Sự cố sập nhà máy may Rana Plaza năm 2013 ở Bangladesh nơi cung cấp sản phẩm cho các nhà bán lẻ như Walmart là một bước ngoặt. Điều này buộc Bangladesh phải cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng và sự an toàn của các nhà máy để nhận được đầu tư nhiều hơn. Do đó, Ấn Độ phải đáp ứng các tiêu chuẩn tốt hơn.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên, Nhật Bản trả tiền cho các tập đoàn nước này rời khỏi đất nước đông dân nhất thế giới và các nghị sỹ Anh chịu sức ép xem xét lại quyết định cho phép tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G mới của Anh, tâm lý chống Trung Quốc trên toàn cầu đang ngày càng dâng cao.

Theo các chuyên gia, thời điểm đã chín muồi để Ấn Độ thực hiện các cải cách cơ cấu toàn diện và tận dụng những thay đổi địa chính trị sâu rộng này để cải thiện mối quan hệ thương mại với thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục