Lĩnh vực dịch vụ ăn uống tại Nhật Bản thiệt hại nặng nề vì đại dịch

Kết quả ảm đạm cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 cho thấy số vụ phá sản trong lĩnh vực quán bar và quán bia là 183 vụ, mức cao nhất kể từ năm tài chính 2000.
Lĩnh vực dịch vụ ăn uống tại Nhật Bản thiệt hại nặng nề vì đại dịch ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Công ty phân tích dữ liệu tín dụng của Nhật Bản Teikoku Databank vừa công bố số liệu cho thấy trong năm tài chính vừa qua (kết thúc ngày 31/3/2021), “xứ hoa anh đào” đã ghi nhận tổng cộng 715 vụ phá sản trong ngành dịch vụ ăn uống, là mức lớn thứ ba trong 20 năm trở lại đây.

Kết quả ảm đạm cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 cho thấy số vụ phá sản trong lĩnh vực quán bar và quán bia là 183 vụ, mức cao nhất kể từ năm tài chính 2000, khi Teikoku Databank bắt đầu thực hiện nghiên cứu.

Đây đều là những công ty được ghi nhận phá sản với các khoản nợ lên tới 10 triệu yen (tương đương 91.000 USD) hoặc cao hơn.

Một quan chức của Teikoku Databank phụ trách cuộc khảo sát cho biết đây là hậu quả của việc ngành dịch vụ ăn uống phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động và sau khi thuế tiêu dùng tại Nhật Bản được tăng thêm 2 điểm phần trăm, lên mức 10%.

[Số quán ăn bị phá sản tại Nhật Bản năm 2020 có thể cao nhất lịch sử]

Chuyên gia này cho biết: "Thật khó để mong đợi con số phá sản sẽ giảm mạnh" trong năm tài chính hiện tại, giữa bối cảnh các yêu cầu cắt giảm giờ làm việc vẫn tồn tại và các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới đang gia tăng trở lại ở Osaka và một số tỉnh khác.

Mặc dù vậy, một số yếu tố như việc Tokyo bắt đầu tiêm vaccine COVID-19, các biện pháp kích thích kinh tế và Thế vận hội Mùa hè 2020 sẽ giúp thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng và cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành, chuyên gia này nói thêm.

Trong tám tháng đầu tiên của năm tài chính 2020, các vụ phá sản hầu hết đều tăng so với năm tài khóa trước đó. Tuy nhiên, xu hướng đã thay đổi vào tháng 12, khi Chính phủ tung ra các chương trình trợ cấp "Đi du lịch" và "Đi ăn uống" để hỗ trợ ngành du lịch.

Song song đó, các biện pháp hỗ trợ tài chính dành cho nhà hàng và quán bar tuân thủ yêu cầu đóng cửa trước 20 giờ cũng góp phần làm giảm số doanh nghiệp phá sản trong lĩnh vực ăn uống trong vài tháng cuối cùng của năm tài chính vừa qua.

Số lượng quán ăn phá sản đã lần lượt giảm 36% và 56,3% trong tháng Một và tháng 2/2021. Sang đến tháng Ba, con số này chỉ còn 2,6%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục