Năm 2015, người dân “thành phố ngàn hoa” vui mừng khi nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt đi vào hoạt động theo công nghệ đốt, tái chế làm phân bón vi sinh, gạch block, dầu đốt… Bà con hy vọng kể từ đó bãi rác Cam Ly chính thức đóng cửa và sẽ không còn hoạt động xử lý rác thải theo kiểu chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường nữa.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi công suất xử lý thực tế của Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt chỉ đạt 40% như cam kết. Kết quả là bãi rác Cam Ly lại phải tiếp tục mở cửa, oằn lưng gánh hơn 100 tấn rác mỗi ngày, trong khi Quyết định số 64 ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ đã liệt bãi rác này vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần được xử lý triệt để.
Dự án không phát huy hiệu quả
Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt (Nhà máy rác) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh khởi công xây dựng từ năm 2012, đến năm 2015 thì hoàn thành và đưa vào vận hành. Dự án này được giao 28ha đất tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, với tổng vốn đầu tư trên 381 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đã đầu tư trên 155,3 tỷ đồng, trong đó tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 3 tỷ đồng, vay ưu đãi từ quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lâm Đồng 71 tỷ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng trên 32,6 tỷ đồng…
Mục tiêu của dự án là xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Lạt với công xuất 200 tấn/ngày. Sản phẩm từ rác gồm phân bón hữu cơ vi sinh, dầu đốt PO&RO, gạch block. Chất thải rắn có thể tái chế bán tận thu, không tái chế sẽ được đốt để tận thu nhiệt, phục vụ hoạt động của dự án.
Tuy nhiên, theo Báo cáo số 4694 của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, hiện tại công suất của nhà máy chỉ đạt 80 tấn/ngày với 3 lò đốt. Hai hệ thống vít tải, băng chuyền hỗn hợp thì chỉ có 1 băng chuyền đang hoạt động. Tính từ ngày 30/5/2015 đến nay, nhà máy mới tiếp nhận 97.141 tấn rác. Trong khi đó cũng từ ngày này, 261.285 tấn rác còn lại của thành phố Đà Lạt vẫn phải chở về bãi rác Cam Ly để xử lý theo phương pháp chôn lấp.
[Sự cố sạt lở bãi rác Cam Ly: Cần có hướng xử lý từ gốc của vấn đề]
Ông Bùi Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Lâm Đồng thừa nhận sau 4 năm đưa vào vận hành, Nhà máy rác Đà Lạt chỉ mới đáp ứng được 40% công suất thiết kế. Các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh nhanh chóng đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền thứ hai để vận hành đạt công suất thiết kế xử lý 200 tấn rác/ngày như đã cam kết, nhưng không có kết quả. Do tỉnh Lâm Đồng đang có chủ trương tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tới đầu tư nên bất đắc dĩ mới phải dùng đến chế tài đề xử lý…
Bãi rác Cam Ly "ngắc ngoải không được chết"
Đưa vào sử dụng từ năm 1976, bãi rác Cam Ly có diện tích 12ha, xử lý rác theo phương pháp thủ công là chôn lấp và phun hóa chất. Năm 2003, bãi rác này đã được Chính phủ đưa vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần được xử lý triệt để. Năm 2015, khi Nhà máy xử lý chất thành rắn Đà Lạt đi vào vận hành, cũng là lúc tỉnh Lâm Đồng ra quyết định đóng cửa bãi rác. Sau đó, khu vực này đã được giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ đô thị thành phố Đà Lạt đầu tư để xây dựng vườn ươm Cam Ly.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhà máy xử lý rác nhiều lần phải ngưng nhận rác để hoàn chỉnh dây chuyền. Rác thải không còn nơi chứa, lại quay về bãi Cam Ly từ năm 2015 cho tới nay với khối lượng lên tới 110-140 tấn/ngày và đã thực sự quá tải. Đỉnh điểm của sự việc là đêm 7/8/2019, mưa lớn đã làm bãi rác này bị sạt lở. Một núi rác khổng lồ từ bãi rác Cam Ly bất ngờ đổ ập xuống triền đồi, chôn lấp nhà kính, vườn rau, hoa, nông cụ, đất sản xuất của 7 hộ nông dân ở bên dưới, khiến nhiều người trở nên trắng tay.
Sau 2 năm vẫn chưa thấy lối ra cho rác thải
Ngày 27/8, tại buổi họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 8/2019 do Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành xem xét lại tính hiệu quả của Nhà máy rác Đà Lạt, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đồng thời phải nghiên cứu quy hoạch, tham mưu xử lý rác có hiệu quả về lâu dài. Ông Việt cho rằng nếu quay về phương án thu gom, chôn lấp rác như trước, nước rác rỉ ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường là không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên từ năm 2017, vấn đề lối thoát cho rác thải Đà Lạt đã nhiều lần nóng lên trong các cuộc họp. Và lãnh đạo chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng đã từng có những chỉ đạo tương tự, nhưng 2 năm sau vẫn chưa thấy lối ra cho thực trạng này.
[Bài toán xử lý rác thải ở đô thị trung tâm ở Đồng bằng sông Cửu Long]
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng Tám do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, trả lời câu hỏi của các phóng viên về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Lâm Đồng cho rằng, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải rất khó, hiện nay trên địa bàn Lâm Đồng ngoài Nhà máy rác Đà Lạt thì ở thành phố Bảo Lộc có 1 nhà máy xử lý rác. Trong quá trình xử lý rác thường cho ra các sản phẩm phụ kèm theo như phân bón, gạch block, dầu PO&RO… để nhà máy có thêm nguồn thu. Thế nhưng do lượng rác ở Đà Lạt không nhiều, chỉ 220 tấn/ngày, ở Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm khoảng 150 tấn/ngày, chưa kể nguồn rác không phù hợp khiến các nhà máy khó tạo ra sản phẩm phụ. Đây cũng là khó khăn cho nhà máy.
Về vấn đề này, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng Lâm Đồng cũng như các tỉnh, thành phố khác đều mong muốn kêu gọi được những nhà đầu tư có tâm huyết, có năng lực xử lý rác theo công nghệ tiên tiến để đảm bảo vệ sinh môi trường. Với nhà máy rác, tỉnh Lâm Đồng họp bàn rất nhiều lần nhưng không phải điều gì muốn cũng được.
Theo ông Đồng, khả năng thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác là chuyện "không mong muốn." Tỉnh Lâm Đồng hy vọng chủ đầu tư sớm giải quyết xong các mâu thuẫn nội bộ để tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị, đưa nhà máy rác vận hành đạt công suất thiết kế là xử lý 200 tấn rác/ngày.
Giải pháp trước mắt và lâu dài của thành phố Đà Lạt
Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt đã nêu một số giải pháp tạm thời và phương án lâu dài. Cụ thể: Trong thời gian chờ thực hiện đóng cửa bãi rác Cam Ly và Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt hoàn thiện các hạng mục, thành phố Đà Lạt sẽ thực hiện san gạt phần rác tràn xuống khu vực đất sản xuất của các hộ dân để san lấp che phủ rác và trồng lại cây xanh; thu hồi toàn bộ diện tích đất của các hộ đang canh tác bị rác san lấp (chủ yếu là đất lâm nghiệp bị lấn chiếm) để đưa vào diện tích bãi rác; xây dựng 2 đập chắn rác, tạo mương hở xung quanh hạn chế nước chảy vào bãi rác; xây dựng phương án hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng trong khu vực…
Về phương án lâu dài, thành phố Đà Lạt kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét việc thu hồi 20/28ha là phần diện tích mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh chưa triển khai các hạng mục công trình của Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt. Diện tích này sẽ được sử dụng để kêu gọi các nhà đầu tư khác có đầy đủ năng lực, xây dựng nhà máy khác với công nghệ hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thành phố hiện nay; giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh; kiểm tra khả năng triển khai tiến độ đầu tư và hiệu quả thực hiện dự án theo nội dung đã cam kết để làm cơ sở xem xét mức độ khả thi của dự án, có hướng giải quyết dứt điểm…/.