Long An phát triển toàn diện kinh tế sau đại dịch COVID-19

Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết tỉnh đã sớm khống chế được dịch COVID-19, đưa KT-XH trở lại trạng thái bình thường mới; tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt 3,43%.
Long An phát triển toàn diện kinh tế sau đại dịch COVID-19 ảnh 1Khu Công nghiệp Long Hậu, Cần Giuộc, Long An nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Mặc dù gặp hàng loạt khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, nhưng nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, cùng với việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kinh tế-xã hội của tỉnh Long An đã có sự hồi phục và dần bứt phá.

Đây là tiền đề cũng như bệ phóng để tỉnh Long An hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, phát triển kinh tế-xã hội toàn diện.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, cho biết tỉnh đã sớm khống chế được dịch COVID-19, bảo vệ được sức khỏe nhân dân, sớm đưa kinh tế-xã hội địa phương trở lại trạng thái bình thường mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2022 đạt 8,32% và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,43%.

Mặc dù so với chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2025 đề ra là 9,2-10%, đây là tốc độ tăng trưởng không cao, chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng là mức tăng trưởng có thể chấp nhận trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, tạo tiền đề phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

[Thủ tướng: Long An cần khai thác hiệu quả không gian phát triển]

Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 90,2 triệu đồng, tăng 13,9 triệu đồng so với năm 2020. Tốc độ tăng thu bình quân đạt 8,9%/năm. Năm 2022, quy mô thu ngân sách đạt 21.844 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân. Đầu tư công được quan tâm lãnh đạo, điều hành chặt chẽ. Kế hoạch đầu tư công hàng năm được giao kịp thời, có trọng tâm, giảm dàn trải, tỷ lệ giải ngân hàng năm đạt khá, đạt bình quân trên 95%/năm. Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và 3 công trình trọng điểm được tập trung thực hiện, tiến độ cơ bản đạt yêu cầu.

Dự án Nút giao đường Hùng Vương-Quốc lộ 62 ở thành phố Tân An, vừa đi vào hoạt động ngày 2/9 vừa qua. Đường vành đai thành phố Tân An dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối năm nay. Đường tỉnh 823D, đường tỉnh 830E, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đang thi công theo kế hoạch... Các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thay đổi bộ mặt đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Việc xúc tiến đầu tư ngày càng đổi mới và hiệu quả hơn, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Ông Li Chun Yen, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Jia Hsin, một trong các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại Khu công nghiệp Cầu Tràm ở huyện Cần Đước, cho biết công ty đã đầu tư tại Long An trên 15 năm. Công ty chuyên sản xuất dép đi biển, hài, giày thể thao, giày mùa Đông cho các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Reef, Under Amor, Clack, Columbia, The north face, Timberland, Tommy.

Long An phát triển toàn diện kinh tế sau đại dịch COVID-19 ảnh 2Dự án Kho lạnh Việt Nam Yokorei đang được Công ty TNHH Việt Nam Yokorei của Nhật Bản xây dựng tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Qua thời gian hoạt động, công ty nhận thấy Long An có vị trí thuận lợi như hạ tầng tốt, giao thông thuận tiện, an ninh trật tự đảm bảo. Thủ tục hành chính được hỗ trợ nhanh chóng. Chính quyền các cấp luôn tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Do đó, công ty đã phát triển nhà máy từ quy mô ban đầu 3ha lên 20ha với khoảng 5.000 lao động. Mặc dù, tình hình đơn hàng năm nay gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty không cắt giảm nhân sự, vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cấp ngành của tỉnh Long An đã rốt ráo thực hiện các dự án phát triển kinh tế, nâng cấp hạ tầng địa phương để tạo tiền đề cho thu hút đầu tư thuận lợi.

Ông Trịnh Phước Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Trụ, chia sẻ ngay từ đầu năm, theo đà khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19, huyện đã triển khai nhiều kế hoạch phát triển kinh tế toàn diện.

Cụ thể, các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thúc đẩy phát triển. Huyện Tân Trụ cũng đã hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án Khu Công nghiệp An Nhựt Tân cho chủ đầu tư. Hiện dự án đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện tiếp tục vận động và hoàn thiện hồ sơ thực hiện công tác cưỡng chế thu hồi đất ở dự án Khu dân cư chỉnh trang đô thị trung tâm thị trấn Tân Trụ 2 và Công trình Các lộ ra 110kV trạm biến áp 220kV Bến Lức theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, huyện Tân Trụ cũng đã xây dựng chợ Lạc Tấn và di dời, sắp xếp các tiểu thương vào chợ buôn bán. Huyện thực hiện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Trung tâm thương mại chợ Tân Trụ, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Long An phát triển toàn diện kinh tế sau đại dịch COVID-19 ảnh 3Công nhân và xe hàng lưu thông tấp nập tại Khu Công nghiệp Phú An Thạnh, Bến Lức, Long An. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Việc kiểm tra thị trường, mua bán lấn chiếm lòng lề đường, phòng chống cháy nổ, điện, nước sinh hoạt được thực hiện thường xuyên. Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông đường bộ, bến khách ngang sông theo phân cấp được đảm bảo.

Huyện Tân Trụ cũng phối hợp Sở Công Thương khảo sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký chương trình khuyến công năm 2023; phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa cho các hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đến với huyện Tân Thạnh, ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, chia sẻ thế mạnh của huyện Tân Thạnh là sản xuất nông nghiệp; trong đó chủ đạo là chăn nuôi và cây lúa. Để tạo đà thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp trong huyện phát triển, từ đầu năm đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Thạnh khảo sát, thống nhất phương án khắc phục nứt lún đường dẫn vào Cầu Trần Công Vịnh, đường Tân Hòa và sửa chữa một số hư hỏng trên tuyến. Huyện tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ tuyến Quốc lộ N2 qua địa bàn huyện Tân Thạnh.

Bên cạnh đó, huyện quyết định điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng xã Kiến Bình, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (phần giao thông). Tính đến tháng Tám vừa qua, công trình từ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư, đã triển khai thực hiện 19/19 danh mục công trình, khối lượng thực hiện đạt 83% kế hoạch và giải ngân đạt 74% kế hoạch. Công trình đầu tư bằng ngân sách huyện, thực hiện 83/124 danh mục công trình, khối lượng thực hiện đạt 57% và giải ngân đạt 30% kế hoạch. Đồng thời tập trung giải phóng mặt bằng các công trình do tỉnh, huyện đầu tư trên địa bàn huyện cho kịp tiến độ.

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Thạnh tập trung chỉ đạo điều hành đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như diện tích, sản lượng lúa năm nay đạt và vượt kế hoạch; tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình lúa ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xã Nhơn Hòa thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và xã Kiến Bình hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; thu ngân sách Nhà nước được triển khai quyết liệt.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục