Lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật

Nhiều ý kiến tại hội thảo ngày 29/10 tại Phú Thọ đánh giá còn nhiều khó khăn về thực hiện bình đẳng giới trong khía cạnh pháp luật.
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật là chủ đề cuộc hội thảo do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ và Dự án Hỗ trợ thực hiện chính sách (PIAP) phối hợp tổ chức ngày 29/10, tại Phú Thọ

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá 3 chủ đề chính là tổng quan về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, trong đó nhấn mạnh đến vai trò đại diện của nữ đại biểu Quốc hội, lồng ghép giới trong hoạt động của Quốc hội, tổng quan về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật và thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; giới và Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi); giới và Dự án Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá...

Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo đánh giá còn nhiều khó khăn về thực hiện bình đẳng giới trong khía cạnh pháp luật. Những khó khăn, hạn chế này do nhận thức truyền thống về thiên chức giới, hạn chế về hiệu lực, hiệu quả thực hiện pháp luật.

Nguyên nhân chủ yếu do tổ chức bộ máy, nhận thức và năng lực đội ngũ cán bộ, thủ tục hành chính và thủ tục tư pháp còn phức tạp, khó tiếp cận. Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ, trợ giúp pháp lý chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống kiểm tra, thanh tra, xử lý chưa đủ mạnh và nghiêm.

Một số ý kiến khác cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do những người bảo vệ pháp luật nhấn mạnh đến tính toàn vẹn của gia đình hơn là sự an toàn của một con người, ở đây là của người phụ nữ.

Nhận thức của một số cấp lãnh đạo cơ sở, cán bộ địa phương về bạo lực gia đình, đối xử bất bình đẳng còn hạn chế. Nhiều người dân cũng không hiểu bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới là gì, những hành vi nào là phạm pháp nên có khi trở thành nạn nhân hoặc người gây ra hành vi phạm pháp mà không biết.

Các đại biểu cũng đề xuất cần thực hiện việc phân tích giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chiến lược, chính sách, giải pháp; song song với việc tổ chức hoạt động và đào tạo công chức, thanh tra công vụ, cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong tổ chức, hoạt động thi hành pháp luật....

Qua Hội thảo “Lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật” các đại biểu mong muốn mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho hiện thực hóa bình đẳng giới trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo đà thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ.

Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm vào quá trình thảo luận, hoạch định để cụ thể hóa trong chính sách pháp luật, đảm bảo cho phụ nữ phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới.

Đây cũng là dịp để các nữ đại biểu Quốc hội học tập kinh nghiệm, nghiên cứu, ban hành đồng bộ và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách lồng ghép giới trong quá trình thực hiện các chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảm bảo sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Theo chương trình, ngày 30/10, đoàn nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thắp hương đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ)./.

Tạ Văn Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục