Lựa chọn khả thi cho Trump tại thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai

Theo Channel News Asia, Tổng thống Trump có một số lựa chọn để có thể rời khỏi Hà Nội và được hoan nghênh là người đưa Kim Jong-un tiến gần hơn tới phi hạt nhân hóa mà không phải nhân nhượng nhiều.
Lựa chọn khả thi cho Trump tại thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng channelnewsasia.com, trong khi nhiều nhà quan sát chỉ trích thỏa thuận Mỹ-Triều hồi năm ngoái vì nội dung chung chung và thiếu những cam kết mang tính ràng buộc thì không ít ý kiến lại cho rằng hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 tại Singapore là cần thiết bởi đó là một bước tiến tới hợp tác giữa hai quốc gia vốn thù địch trong suốt nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, thiện chí giữa Bình Nhưỡng và Washington không thể chỉ tồn tại nhờ bầu không khí tích cực, và trong cuộc gặp sắp tới lãnh đạo hai nước cần phải đạt được một thỏa thuận với những nội dung thực tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tìm cách buộc Triều Tiên cam kết các bước đi có kiểm chứng tiến tới phi hạt nhân hóa, trong khi ưu tiên hàng đầu của Kim Jong-un là nới lỏng các đòn trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên.

Cả hai đều đang đối diện với những thách thức không nhỏ song Trump được cho là có một nhiệm vụ khó khăn hơn. Kim không cần lo ngại về báo giới hay những chính trị gia đối lập luôn tìm cách khai thác những thất bại hoặc yếu kém của mình.

Không giống Kim, Trump là nhà lãnh đạo của một nền dân chủ với tự do báo chí, và nhất cử nhất động của ông đều được theo dõi sát sao. Hơn thế nữa, một chiến thắng ngoại giao chắc chắn sẽ giúp Trump phân tán sự chú ý của dư luận đối với các thách thức trong nước.

[Mỹ thận trọng và cương quyết trong đàm phán với Triều Tiên]

Theo Channel News Asia, Trump có một số lựa chọn để có thể rời khỏi Hà Nội và được hoan nghênh là người đưa Kim Jong-un tiến gần hơn tới phi hạt nhân hóa mà không phải nhân nhượng quá nhiều.

Gây áp lực buộc Triều Tiên cung cấp danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân

Sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, Trump tuyên bố rằng Triều Tiên không còn là một mối đe dọa hạt nhân.

Thực tế mối đe dọa này vẫn còn nguyên và Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn chưa cung cấp lộ trình hay kế hoạch từ bỏ hạt nhân. Đại học Stanford vừa công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng Triều Tiên thậm chí còn đang tiếp tục sản xuất plutoni và làm giàu urani.

Triều Tiên vẫn chưa công bố rõ ràng số lượng vũ khí hủy diệt mà họ có, các chủng loại cũng như địa điểm cất giữ và các chi tiết liên quan khác.

Trước khi nhất trí về các “phần thưởng” dành cho Triều Tiên, Trump cần nhấn mạnh tới việc cung cấp các nội dung nêu trên. Nếu Bình Nhưỡng từ chối, đó sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Triều Tiên không chân thành trong đàm phán, và càng không có ý định phi hạt nhân hóa.

Sử dụng “củ cà rốt” hoãn các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc

Dù không còn đe dọa rút quân khỏi Hàn Quốc song Trump có thể tiết kiệm chi phí cho Mỹ và làm hài lòng những người đồng cấp Triều Tiên bằng cách hoãn các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc.

Đây có thể động thái thể hiện sự chân thành và đồng thời tránh việc gây tổn hại tới uy tín của Mỹ, bởi thực tế Mỹ vẫn duy trì các cam kết bảo vệ Hàn Quốc thông qua mạng lưới các căn cứ tại đây.

Hơn thế nữa, chính phủ thiên tả tại Seoul cũng sẽ chấp nhận lý do dừng các cuộc tập trận, bởi nhiều quan chức trong Chính quyền Moon Jae-in cho rằng các hoạt động này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhiệm vụ lớn hơn là hòa giải với Triều Tiên.

Tập trung vào tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thay vì “bán đảo Triều Tiên”

Thỏa thuận đạt được tại Singapore nói rằng hai bên sẽ cùng nhau tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, cho dù Mỹ không triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo này, Hàn Quốc vẫn nằm trong phạm vi bảo vệ của “chiếc ô hạt nhân” mà Mỹ cung cấp, đồng nghĩa với việc Mỹ cam kết dùng sức mạnh hạt nhân để bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp cần thiết.

Trong khi đó, Triều Tiên định nghĩa “phi hạt nhân hóa” là quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc.

Hai bên gần như không thể hoàn toàn nhất trí về định nghĩa thế nào là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, song ít nhất là tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội sắp tới, Trump cần làm rõ rằng việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc không phải là vấn đề có thể đưa ra thương thảo, và nếu Triều Tiên muốn Mỹ hiện thực hóa một vài trong số “các biện pháp tương ứng,” thì trước hết Bình Nhưỡng phải thực sự có những bước tiến cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân, chẳng hạn như công bố các chi tiết về chương trình của mình.

Đề ra cơ chế đối thoại cấp thấp và khả thi

Các hội nghị thượng đỉnh thường thu hút sự chú ý của dư luận trong thực tế công việc lại diễn ra trong các cuộc họp kín.

Stephen Biegun, nhà ngoại giao Mỹ được chỉ định cho các cuộc đàm phán với Triều Tiên, đã tới Bình Nhưỡng để có các cuộc gặp nhằm chuẩn bị cho sự kiện sắp diễn ra tại hà Nội.

Sau khi rời Triều Tiên, ông nói rằng vẫn còn “những công việc khó khăn” cần hoàn thành trước thềm thượng đỉnh. Đây là một cách nói tránh trước thực tế là hai bên vẫn còn cách mục tiêu đạt thỏa thuận rất xa.

Dù áp lực đạt đột phá tại Hà Nội là không nhỏ, song sẽ là phi thực tế nếu người ta kỳ vọng vào một kết quả mang tính dấu mốc.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ nên đề xuất thiết lập một lộ trình cho các cuộc gặp thường xuyên giữa giới chức ngoại giao hai nước.

Tại các cuộc gặp này, các nhà đàm phán có thể xử lý các vấn đề thực tế liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa và tránh khỏi sự ồn ào của truyền thông cũng như dư luận.

Các cuộc đối thoại tiếp diễn sẽ là động lực để Mỹ và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, và thậm chí là mở cửa đại sứ quán.

Dù phi hạt nhân hóa vẫn là điều gì đó xa vời, và có thể không bao giờ trở thành hiện thực, song Trump đã đúng khi nói rằng trong suốt năm vừa qua Triều Tiên đã hạ giọng và hạn chế những hành vi khiêu khích.

Rất có thể đó là một thế hệ trẻ tại Triều Tiên, những người xem Mỹ là một đối tác tiềm năng thay vì kẻ thù truyền kiếp như cha ông mình.

Đó là điều đáng giá, và chỉ hai hội nghị thượng đỉnh chắc chắn không thể đảo ngược nhiều thế kỷ hận thù./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục