Lựa chọn khó khăn của Trung Quốc khi thế giới mở cửa trở lại

Cách mà Bắc Kinh đối phó với đại dịch sẽ tác động đến tương lai của chính họ cũng như mối quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Lựa chọn khó khăn của Trung Quốc khi thế giới mở cửa trở lại ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 15/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo hãng Reuters, trong khi Australia và New Zealand thúc đẩy các kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa biên giới vào tuần trước thì tuần này, Hong Kong đã đưa ra các biện pháp cứng rắn nhất để chống dịch COVID-19, và các nhà chức trách ở Trung Quốc đang đóng cửa thành phố sản xuất nhôm Bách Sắc (Baise), đẩy giá kim loại này lên mức cao nhất trong 14 năm qua.

Sau 2 năm chống chọi với đại dịch và hơn 1 năm triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, nhiều nơi trên thế giới đang cố gắng sống chung với COVID-19. Trong đó, Anh và Mỹ đang đẩy mạnh tái mở cửa xã hội bất chấp tác động của biến thể Omicron vốn có mức độ lây lan cao nhưng ít nguy hiểm hơn các biến thể trước.

Về phần mình, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách loại bỏ hoàn toàn COVID-19 (còn được gọi là chính sách “Không COVID”) và Bách Sắc không phải là thành phố lớn đầu tiên ở Đại lục bị đóng cửa kể từ tháng 12/2021.

Dưới sự điều hành của Trung Quốc, Hong Kong cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và hiện mỗi ngày ghi nhận khoảng 600 ca mắc mới.

Hiện nay, số ca mắc được phát hiện vẫn còn thấp. Tại Bách Sắc, sau khi xét nghiệm cho khoảng 10% trong tổng số 4 triệu người dân, giới chức báo cáo có 100 ca dương tính. Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục lây lan, dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng về việc số ca mắc thực tế cao hơn mức công bố.

Ổ dịch tại Bách Sắc bị coi là đặc biệt khó kiểm soát trong bối cảnh có nhiều người đi du lịch ở Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán.

Khả năng đưa số ca mắc ở Trung Quốc về con số 0 có lẽ là rất nhỏ, nhưng đây là một quyết định có tác động đến cả chính trị lẫn sức khỏe cộng đồng, có mối liên hệ chặt chẽ với uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Chủ tịch Tập Cận Bình.

[Trung Quốc phong tỏa thành phố Bách Sắc do số ca nhiễm mới gia tăng]

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã tăng cường giám sát và đưa ra nhiều quy định pháp lý, chủ yếu thông qua các biện pháp y tế công cộng, đồng thời hạn chế hơn nữa quyền tự do dân sự và tự do báo chí ở Hong Kong.

Tờ "Nhân dân Nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho rằng với số ca mắc hiện nay, việc mở cửa lại Hong Kong sẽ là “thảm họa” trong khi tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng một bài xã luận cho rằng đã đến lúc bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế và sống chung với virus.

Câu hỏi cơ bản

Cách mà Bắc Kinh đối phó với đại dịch sẽ tác động đến tương lai của chính họ cũng như mối quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Họ phải quyết định xem có hay không và làm thế nào để mở cửa lại biên giới, tiếp nhận du khách nước ngoài và cho phép người dân xuất nhập cảnh.

Biến động trên thị trường nhôm tuần này cho thấy những quyết định như vậy mang lại nhiều tác động kinh tế toàn cầu rộng hơn. Một Trung Quốc không còn lệnh phong tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế trong nước sẽ có thể giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ là nơi mà đại dịch vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tuần này, trao đổi với "Thời báo Hoàn Cầu," Wu Zunyou - trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc - cho rằng đại dịch đang suy yếu trên toàn cầu nhưng Trung Quốc sẽ không điều chỉnh chính sách “không khoan nhượng” ngay lúc này, bởi chỉ riêng vaccine thì không thể kiểm soát được virus.

Về cơ bản, điều đó khác với chính sách được đề xuất trước đây tại Hong Kong. Tháng 12/2021, một số nguồn tin cho biết thành phố này sẽ quyết định mở cửa lại biên giới nếu 80% dân số, trong đó có các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, đã được tiêm vaccine. Hiện Hong Kong đã đạt được mức bao phủ trên, nhưng tỷ lệ này ở nhóm người cao tuổi vẫn còn rất thấp.

Tuần này, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo thắt chặt các quy định, bao gồm hạn chế tụ tập ở mức độ 2 gia đình, đồng thời đóng cửa các địa điểm tập trung - khiến phần lớn Hong Kong bị cô lập với Trung Quốc khi hủy 90% chuyến bay và áp đặt các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt.

Nhật Bản và Hàn Quốc

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất cần thận trọng. Ngày 8/2, Nhật Bản ghi nhận 159 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất theo ngày, buộc chính phủ phải đặt ra các biện pháp hạn chế trên hầu khắp cả nước ngay cả khi các quốc gia như Anh và Mỹ chấp nhận con số tử vong cao hơn đáng kể trong nhiều tuần liên tiếp.

Trong khi đó, Hàn Quốc ghi nhận gần 7.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 nhưng số ca tử vong theo ngày đang tăng lên do sự lây lan của biến thể Omicron, buộc nước này phải tăng cường các quy định giãn cách xã hội.

Phần lớn châu Á đã và đang trong quá trình mở cửa trở lại, còn Australia và New Zealand cũng chấp nhận để biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng vốn đã được bao phủ phần lớn vaccine, trước khi cho phép hoạt động xuất nhập cảnh trong năm 2022.

Nếu áp dụng cách tiếp cận đó, Trung Quốc sẽ cần đưa ra thông điệp phức tạp hơn so với trước đây để chứng tỏ cách tiếp cận đó là hợp lý và an toàn. Hơn 80% dân số Trung Quốc đã được tiêm phòng nhưng tùy theo hiệu quả của vaccine, vẫn có thể xảy ra các đợt bùng phát mạnh và tử vong trên quy mô lớn, khiến chính phủ bị chỉ trích nhiều hơn.

Tuy nhiên, đó có lẽ không phải yếu tố duy nhất tác động tới quyết định này. Như phát hiện của Bắc Kinh tại Thế vận hội mùa Đông, các biện pháp y tế công cộng áp dụng đối với COVID-19 đã cho thấy một công cụ mạnh mẽ để kiểm soát xã hội.

Giới cầm quyền Trung Quốc có lẽ không muốn điều đó xảy ra - cũng như việc Hong Kong tìm lại “niềm cảm hứng” ly khai một lần nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục