Lựa chọn nào cho Brazil trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung?

Theo mạng tin Sputnik, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và nhập khẩu hàng hóa từ Xứ sở samba với giá trị cao gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Mỹ.
Lựa chọn nào cho Brazil trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung? ảnh 1Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin Sputnik, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và nhập khẩu hàng hóa từ Xứ sở samba với giá trị cao gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Mỹ.

Mặc dù vậy, Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro dường như nỗ lực phát triển mối quan hệ với Washington dù quan hệ giữa hai nước đang trong trạng thái mất cân bằng.

Những thất bại mà Brasilia “gặt hái” được từ chiến lược đối ngoại cực đoan trên ngày càng rõ ràng, điển hình như việc hãng Boeing của Mỹ vừa “hất cẳng” doanh nghiệp chiến lược Embraer của Brazil khỏi dự án hợp nhất và bỏ rơi tập đoàn sản xuất máy bay dân dụng lớn thứ ba thế giới trong tình cảnh khó khăn của cuộc khủng trầm trọng ngành hàng không Nam Mỹ.

Giờ đây Brasilia đang sử dụng những “rào cản kỹ thuật” để cản trở đầu tư Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng và viễn thông, mặc dù chúng có thể ảnh hưởng sang cả hoạt động thương mại.

Một báo cáo mới đây của nhật báo Folha de Sao Paulo khẳng định rằng một trong những dự án quan trọng nhất bị đình trệ do chính sách này là dự án tái khởi động công trình nhà máy điện hạt nhân Angra 3.

Đối với công trình được đánh giá là chiến lược này, doanh nghiệp nhà thầu vốn nắm lợi thế vì đưa ra chi phí cạnh nhất là Tổng công ty hạt nhân Trung Quốc (CNNC).

Nhưng Chính phủ Brazil lại muốn trao thầu cho doanh nghiệp Mỹ Westinghouse, kể cả phải loại bỏ cả EDF của Pháp và Rosatom của Nga. Chính vì ý định này mà tới nay ngày công bố thầu vẫn bị đình hoãn vô thời hạn.

Quyền điều hành Angra 3 thuộc về doanh nghiệp bản địa Electronuclear, đơn vị nhà nước trực thuộc tập đoàn Electrobras, chủ đầu tư của công trình bị tê liệt từ năm 2015 sau khi hoàn thành 60% các hạng mục thi công.

Electronuclear khi đó bị Cảnh sát liên bang điều tra vì Giám đốc doanh nghiệp này - đô đốc Othon Luiz Pinheiro - bị cáo buộc là một phần của đường dây tham nhũng nhận hối lộ từ các nhà thầu.

[Đại dịch COVID-19 đẩy nền kinh tế Brazil rơi vào suy thoái]

Vị đô đốc này bị thẩm phán và người cầm đầu chiến dịch chống tham nhũng Lava Jato khi đó - Sergio Moro - kết án tới 43 năm tù giam, nhưng được thả chỉ sau 2 năm.

Ông Othon Luiz Pinheiro được coi là cha đẻ của chương trình hạt nhân Brazil khi là một trong những tác giả chính trong việc phát triển công nghệ làm giàu uranium mang tên ly tâm cực độ.

Chính vì những diễn biến này mà giới quân đội Brazil từng cho rằng mục đích thực sự của ông Moro xoay quanh những nguyên nhân chính trị và đồng điệu với Washington. Giờ đây, khi con đường đã được dọn sạch, sẽ có một doanh nghiệp Mỹ tới nhận thầu công trình hoàn thiện trung tâm hạt nhân này.

Dự án quan trọng thứ hai đang bị trì hoãn, lần này là do vị Bộ trưởng Kinh tế theo tư tưởng tự do cực đoan Paulo Guedes, là sự tham gia của Trung Quốc vào quỹ đầu tư các dự án hạ tầng cơ sở thành lập từ năm 2017, với mức vốn thu hút dự kiến là 20 tỷ USD, trong đó Bắc Kinh cam kết đóng góp tới 3/4.

Nghiêm trọng hơn là lời đe dọa của Đại sứ Mỹ tại Brazil Todd Chapman, người trong một bài phỏng vấn của nhật báo O Globo, từng tuyên bố rằng Brazil sẽ phải gánh chịu “những hậu quả kinh tế tiêu cực” nếu lựa chọn công nghệ mạng di động 5G của Huawei.

Cả Tổng thống Bolsonaro và Ngoại trưởng Ernesto Araújo, cũng như Bộ trưởng An ninh Thể chế, Tướng Augusto Heleno, đều tỏ vẻ nghiêng về phương án từ chối Huawei, mặc dù Phó Tổng thống Hamilton Mourao - cũng là một tướng về hưu, không loại trừ khả năng Brazil chấp thuận đề nghị của doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc.

Người từng bày tỏ lo lắng thực sự về quyết định của chính phủ về mạng di động 5G là Bộ trưởng Nông nghiệp Tereza Cristina, vì cho rằng Trung Quốc có thể lựa chọn nhà cung cấp nông sản khác thay cho Brazil để trả đũa.

Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu công nông nghiệp của Brazil sang Trung Quốc chiếm tới 47% giá trị xuất khẩu của quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ, với con số kỷ lục 31,4 tỷ USD.

Có rất nhiều cách nhìn về vấn đề này tại Brazil. Giá trị xuất khẩu của Brazil sang Mỹ chỉ chiếm 6,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Xứ sở Samba và nhiều chuyên gia khẳng định rằng Trung Quốc có thể đa dạng hóa nguồn cung đậu tương - sản phẩm đứng đầu về giá trị xuất khẩu từ Brazil sang Trung Quốc.

Lựa chọn nào cho Brazil trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung? ảnh 2Nông dân thu hoạch đậu tương. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngược lại, Ngoại trưởng Araújo, người theo đuổi tư tưởng cực hữu khá giống với Tổng thống Trump, lại cho rằng Trung Quốc phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp của Brazil và bảo vệ quan điểm của Washington khi không coi Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, tương đương với việc gạt quốc gia đông dân nhất thế giới ra khỏi nhiều cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Những ý kiến này cũng được một số quan chức kinh tế chia sẻ, điển hình là Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương của Bộ Kinh tế Roberto Fendt, người từng nói với tời Folha de Sao Paulo rằng sẽ không có hệ quả gì nghiêm trọng nếu từ chối Huawei vì Trung Quốc sẽ luôn cần các nhà cung cấp lương thực và nguyên vật liệu.

Ông Fendt lập luận rằng nếu Bắc Kinh nhập khẩu từ Brazil, họ cũng không thể nhập khẩu nông sản từ các nhà xuất khẩu lớn như Mỹ và Australia bởi vì họ cũng có xung đột ngoại giao và thương mại với các quốc gia này.

Từ những tuyên bố trong vài tuần qua của các quan chức Brazil có thể rút ra vài kết luận như sau: Thứ nhất, nội bộ Chính phủ của ông Bolsonaro đang xem xét, cân nhắc các quyết định chiến lược liên quan tới Trung Quốc. Tất cả cho thấy quan hệ liên minh với Mỹ là vững chắc, nhưng có những e ngại về việc phủ quyết Huawei có thể chọc giận Trung Quốc và khiến Bắc Kinh trả đũa thương mại.

Nhưng cho tới nay Trung Quốc cũng chưa có tiền lệ trả đũa Australia, quốc gia mà Bắc Kinh vừa duy trì hoạt động nhập khẩu quặng sắt khối lượng lớn, vừa có những xung đột quan điểm gay gắt về vấn đề Biển Đông và một số chủ đề gai góc khác.

Thứ hai là ngoài vấn đề về những lựa chọn địa chính trị và tư tưởng hệ từng đưa Brazil đi theo những chỉ dẫn của Washington, nội các kinh tế của ông Bolsonaro đang cho thấy những rạn nứt khá nghiêm trọng. Hai tuần trước, hai quốc vụ khanh của Bộ Kinh tế đã từ chức do việc chậm trễ khởi động các tiến trình tư hữu hóa, và đây không phải là những tổn thất đầu tiên của “ông trùm kinh tế” Guedes, khi mà vài tháng trước đó cơ quan “siêu bộ” của ông cũng đã chao đảo với những đơn từ chức của nhiều nhân vật quan trọng.

Theo nhật báo O Globo, đây là sự “đổ vỡ” bên trong nội các, giữa một bên là Bộ trưởng Kinh tế Guedes, người theo đuổi xu hướng tư hữu hóa, và một bên là tướng Walter Souza Braga Netto, vị Bộ trưởng Phụ trách Nội các đầy quyền uy và đại diện cho giới quân đội. Sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ và nhu cầu gia tăng chi tiêu công do đại dịch COVID-19 đang đẩy ông Bolsonaro xa khỏi chương trình tranh cử ban đầu của ông.

Cuộc tranh đấu kịch liệt trong thời điểm này cho thấy, như nhà báo Tales Faria đã chỉ ra, “rằng giới quân sự Brazil đang nghiêng về tư duy phát triển luận hơn là chủ nghĩa tự do kinh tế cực đoan”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục