Ngày 15/9, tại Thành phố Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức tọa đàm Luật Dầu khí sửa đổi phục vụ cho mục tiêu phát triển nhằm thông tin kết quả hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí gắn với hoạt động xây dựng pháp luật nhằm hoàn thiện Luật Dầu khí sửa đổi để mang tính khả thi cao…
Chuỗi giá trị công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh
Ông Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), cho biết ngành Dầu khí đến nay đã phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ đến kinh doanh và chế biến ra các cái sản phẩm có giá trị cao. Chuỗi giá trị công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh như vậy không phải nước nào cũng có.
[Làm rõ cơ chế xử lý tranh chấp trong hoạt động dầu khí]
Ông Dũng nhấn mạnh, với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt với Luật Dầu khí được ban hành từ năm 1998 đến nay đã phát huy tối đa tác dụng, hiệu quả, đóng góp quan trọng cho việc hình thành ngành Công nghiệp Dầu khí của Việt Nam.
Tuy nhiên, qua ba lần sửa đổi đến nay với nhiều yếu tố mới phát sinh, Luật đã giảm đi phần nào tác dụng hỗ trợ khiến ngành Công nghiệp Dầu khí, cụ thể là Tập đoàn Dầu khí phải đối diện với những khó khăn, thách thức khi cùng với sự lớn mạnh của mình, “chiếc áo” mà ngành Dầu khí khoác lên mình sau nhiều năm đã trở nên chật chội.
Nhận biết được điều này, vừa qua Đảng và Nhà nước thấy cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí để đảm bảo cho sự phát triển của ngành Dầu khí cũng như tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ngành đang gặp phải.
"Luật Dầu khí sửa đổi là phục vụ mục tiêu phát triển. Cho đến thời điểm hiện nay, dự án Luật về cơ bản đã đáp ứng rất nhiều nội dung, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm tạo ra những cơ chế, điều kiện phát triển mới cho ngành Dầu khí," ông Trần Quang Dũng nói.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới và trong nước, theo ông Dũng, ngành Dầu khí đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức rất lớn do chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và những biến động bất định của thị trường, của nền kinh tế thế giới nói riêng và những bất ổn bất định trong đời sống xã hội nói chung. Điều đó đòi hỏi PetroVietnam phải thường xuyên ứng phó và muốn ứng phó hiệu quả, đòi hỏi ngành phải có sự quản trị một cách phù hợp để vượt qua.
“Hai năm qua, bằng chiến lược quản trị biến động của mình, ngành dầu khí đã chủ động vượt qua khó khăn một cách hết sức ngoạn mục, với kết quả kinh doanh tiếp tục đạt hiệu quả cao. Thế mạnh của ngành dầu khí sẽ tiếp tục đưa vào để phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh, chuyển chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số… đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia,” ông Dũng nhấn mạnh.
Tại buổi Tọa đàm, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò-Khai thác Dầu khí (PVEP), chia sẻ thêm, Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đang trình Quốc hội, nếu được thông qua sẽ giúp tháo gỡ các vấn đề về trình tự thủ tục đầu tư dự án dầu khí trong nước; cơ chế khuyến khích đầu tư; thời hạn hợp đồng dầu khí; xử lý các chi phí của Dự án Dầu khí và quyết toán dự án.
Đại diện PVEP cũng đánh giá rất cao hai vấn đề đặc biệt quan trọng mà thực tế đơn vị ông gặp phải là dự thảo luật đã bổ sung một số quy định mới so với Luật Dầu khí hiện hành, đã xác định thẩm quyền của PetroVietnam trong việc quyết định đầu tư các Dự án Dầu khí của PetroVietnam và các doanh nghiệp như PVEP sau khi Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền khác đã phê duyệt các nội dung, vấn đề phát sinh trong triển khai Hợp đồng dầu khí.
Ngoài ra, trình tự và thủ tục đầu tư cũng được quy định theo hướng rõ ràng và cụ thể hơn, cho phép thực hiện theo cơ chế 2 trong 1 cùng với quá trình trình duyệt các vấn đề của Hợp đồng dầu khí, tạo lập hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và tập trung, thay vì rải rác ở nhiều văn bản khác nhau như hiện tại.
Bên cạnh đó, đã bổ sung các quy định cải thiện chính sách khuyến khích đầu tư bao gồm: tăng mức thu hồi chi phí, bổ sung các điều kiện miễn, giảm thuế đối với các dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư, kéo dài thời hạn hợp đồng hơn so với pháp luật dầu khí hiện hành.
Xem xét về ưu đãi thuế
Thể hiện kỳ vọng Luật Dầu khí sửa đổi, ông Trung cho biết, PVEP đã chủ động đánh giá một số dự án cận biên (chưa thể phát triển với cơ chế hiện tại), tính toán 05 Lô dự án với các điều kiện khuyến khích đầu tư/đặc biệt khuyến khích, dự kiến các dự án phát triển được, đem lại 87 triệu thùng dầu, phần thu của nhà nước có thể lên đến 1,17 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh các nội dung đã dược đề xuất trong Luật Dầu khí sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét, để tạo điều kiện và cơ sở pháp lý dài hạn khi các Dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư vẫn không thể triển khai trong tương lai, PVEP đề xuất cho phép Thủ tướng quyết định mức miễn giảm thuế ưu đãi cao hơn so với Dự thảo hiện nay cho các lô, mỏ cần áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt để có thể hiện thực hóa hoạt động khai thác tận thu nhằm tránh lãng phí tài nguyên cho đất nước.
Cùng đó, đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí, không chỉ giới hạn ở hình thức PSC truyền thống mà cho phép áp dụng thêm các hình thức khác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi cho cả Chính phủ và nhà đầu tư. Bởi theo đánh giá của PVEP, việc áp dụng hình thức hợp đồng cấp phép giúp cải thiện đáng kể hiệu quả đầu tư cho các Dự án dầu khí có lô/mỏ có tiềm năng kém hấp dẫn.
"Đây là hình thức được áp dụng rất phổ biến ở khu vực Nam Mỹ và các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu. Ở Việt Nam cũng được áp dụng cho hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản," ông Trung dẫn chứng
Ngoài ra, đại diện PVEP khuyến nghị cần có cơ chế khuyến khích các Nhà thầu của Hợp đồng dầu khí hiện có đầu tư bổ sung để gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu.
Để đảm bảo hoạt động khai thác được diễn ra liên tục mà không bị gián đoạn do vừa phải thực hiện thủ tục kết thúc Hợp đồng dầu khí cũ và ký Hợp đồng dầu khí mới, đặc biệt có những công việc cần phải triển khai ngay trong thời hạn của Hợp đồng dầu khí cũ thì mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cho cả PetroVietnam lẫn Nhà thầu mà không thể chờ đến khi ký Hợp đồng dầu khí mới, PVEP kiến nghị bổ sung thêm hình thức gia hạn Hợp đồng dầu khí cũ, bên cạnh việc ký Hợp đồng dầu khí mới như Dự thảo tại Điều 32a.
Đồng thời, ngoài việc cho phép sử dụng miễn phí tài liệu và công trình, phương tiện thiết bị khai thác, PVEP cũng kiến nghị bổ sung quy định cho phép sử dụng Quỹ thu dọn mà chính Nhà thầu đó đã trích lập theo Hợp đồng dầu khí cũ để phục vụ cho việc thu dọn các công trình, thiết bị này sau khi kết thúc Hợp đồng dầu khí mới…
Trong khi đó, đại diện Dự án Lô 01&02 (PVEP) kiến nghị, Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng cần cân nhắc đến các cơ chế, nguyên tắc, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư ở những thời điểm giá dầu sụt giảm, để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư cùng vượt qua khó khăn, nhằm tới mục tiêu khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí.
"Quy định nguyên tắc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên, thuế Thu nhập doanh nghiệp (thay đổi/giảm) khi giá dầu thô giảm đến một ngưỡng nhất định," đại diện Dự án Lô 01&02 kiến nghị thêm./.