Ngày 22/4 vừa qua, Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), một đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết nội dung bất hợp pháp và có hại bằng cách yêu cầu các nền tảng nhanh chóng gỡ bỏ nội dung đó.
Động thái này của Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá sẽ tác động mạnh đến những "người khổng lồ" công nghệ (Big Tech).
Theo đó, các Big Tech như Meta, Alphabet, ByteDance, Apple, Twitter sẽ phải kiểm sát nội dung bất hợp pháp trên nền tảng của mình một cách mạnh mẽ hơn, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị phạt nhiều tỷ USD.
Trong số 19 nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm buộc phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt hơn theo đạo luật DSA có AliExpress, Amazon Store, Apple App Store, Bing, Booking.com, Facebook, Google Play, Google Maps, Google Search, Google Journal, TikTok, Twitter.
Các Big Tech nằm trong danh sách đang có hơn 45 triệu người dùng tại EU mỗi tháng, tương đương khoảng 10% dân số châu Âu.
Các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm này sẽ chịu trách nhiệm gỡ bỏ nội dung bất hợp pháp, thuê người kiểm duyệt nội dung thích hợp bằng mọi ngôn ngữ của EU và hàng năm gửi đánh giá rủi ro cho cơ quan điều hành của EU, nêu chi tiết cách họ xử lý nội dung độc hại.
Nếu không tuân thủ các quy tắc có thể bị phạt tới 6% doanh thu hàng năm toàn cầu của các công ty. Đối với một công ty như Meta, công ty mẹ của Facebook, điều đó có thể đồng nghĩa với mức phạt lên tới 7 tỷ USD dựa trên số liệu bán hàng năm 2021.
Đạo luật hiện đang được các cơ quan của EU thông qua chính thức và dự kiến sẽ có hiệu lực sớm nhất vào năm 2024.
[EU “điểm danh” các nền tảng Big Tech phải giám sát chặt chẽ hơn]
Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) tách biệt với Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA), mà các tổ chức của Liên minh châu Âu đã phê duyệt vào tháng trước.
Cả hai đạo luật đều đi kèm với mối đe dọa về tiền phạt khổng lồ, nhưng trong khi DMA tìm cách hạn chế sức mạnh thị trường của các công ty Big Tech, thì DSA lại nhằm đảm bảo các nền tảng loại bỏ nội dung độc hại một cách nhanh chóng.
Một phần quan trọng của đạo luật DSA sẽ hạn chế cách các “gã khổng lồ” công nghệ nhắm mục tiêu người dùng bằng các quảng cáo trực tuyến. DSA sẽ ngăn chặn hiệu quả các nền tảng nhắm mục tiêu người dùng bằng các thuật toán sử dụng dữ liệu dựa trên giới tính, chủng tộc hoặc tôn giáo của họ.
Các quảng cáo nhắm mục tiêu đến trẻ em cũng sẽ bị cấm.
Các công ty công nghệ sẽ được yêu cầu thực hiện các quy trình mới được thiết kế để gỡ bỏ dữ liệu bất hợp pháp như lời nói căm thù, kích động khủng bố và lạm dụng tình dục trẻ em.
Các thị trường thương mại điện tử như Amazon cũng phải ngăn chặn việc mua bán hàng hóa bất hợp pháp theo các quy định mới.
Luật cũng bao gồm các biện pháp buộc các “gã khổng lồ” công nghệ phải minh bạch hơn về các thuật toán mà họ sử dụng để đề xuất nội dung cho người dùng.
Bên cạnh đó, các nền tảng trực tuyến lớn và các công cụ tìm kiếm trực tuyến sẽ được yêu cầu thực hiện một số biện pháp cụ thể trong bối cảnh khủng hoảng. Động thái này xuất phát từ một thực tế là thời gian qua, thông tin sai lệch, thất thiệt tràn lan trên không gian mạng liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Việc đưa ra đạo luật DSA với các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn được coi là bước đi quyết liệt của EU trong quản lý các công ty công nghệ, đồng thời thể hiện thái độ không khoan nhượng của khối này trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận này là một bước ngoặt "lịch sử." Bà nói: "Đạo luật DSA sẽ nâng cấp các quy tắc cơ bản cho tất cả các dịch vụ trực tuyến ở EU. Nó sẽ đảm bảo rằng môi trường trực tuyến vẫn là một không gian an toàn, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp kỹ thuật số"./.