"Luật Thủ đô sửa đổi đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội"

Theo đại diện Sở Tư pháp Hà Nội, qua những lần xin ý kiến, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Lãnh đạo các sở ngành của Hà Nội tại buổi họp báo chiều 28/3. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Lãnh đạo các sở ngành của Hà Nội tại buổi họp báo chiều 28/3. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Thông tin trên được ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đưa ra tại buổi họp báo do Ủy ban thành phố Hà Nội tổ chức chiều 28/3.

Theo ông Nguyễn Công Anh, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Để thực hiện việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô sửa đổi, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành rà soát, tiếp thu, giải trình, đề xuất việc chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định.

Đại diện Sở Tư pháp cho hay trong thời gian từ ngày 18/12/2023 đến ngày 27/12/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tổ chức 12 cuộc họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự tham gia của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành thành phố.

Trên cơ sở kết quả các cuộc họp, báo cáo đề xuất đưa ra, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao Thường trực Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô tổ chức họp với các bộ phận chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, các chuyên gia Luật Thủ đô tổ chức tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

“Ủy ban Nhân dân thành phố đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo Luật (sau điều chỉnh) để báo cáo xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và gửi Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp,” ông nói.

Thông tin thêm, theo ông Nguyễn Công Anh, trong thời gian từ đầu năm 2024 đến nay, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và Ủy ban Nhân dân thành phố nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo đề xuất của thành phố. Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với Thường trực Thành ủy để chỉ đạo, định hướng việc tiếp thu Luật Thủ đô.

Trước đó, ngày 26/3/2024, Quốc hội đã tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 để lấy ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội vào dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đang tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan để hoàn thiện, xin ý kiến Chính phủ và gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Ông Nguyễn Công Anh nhấn mạnh qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

vna-potal-khai-mac-ky-hop-thu-11-hdnd-thanh-pho-ha-noi-khoa-xvi-6620797-3885.jpg.webp
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội họp bàn xây dựng các giải pháp để tạo đà phát triển Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)

Về nội dung tiếp thu, chỉnh lý, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và hơn 130 ý kiến của Đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Ủy ban Nhân dân thành phố đã nghiên cứu, giải trình đầy đủ, dự kiến tiếp thu đối với nhiều ý kiến, trong đó nổi bật là việc tiếp thu, chỉnh lý bổ sung các quy định về: nguyên tắc áp dụng pháp luật; quy định về tổ chức, bộ máy của Hội đồng Nhân dân thành phố, các quận, thị xã, thành phố thuộc Thủ đô.

Ngoài ra, đã bổ sung nhiều nội dung phân quyền cho thành phố trong chủ động về tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, về biên chế; mở rộng các nội dung về phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền; các quy định về văn hóa, y tế, quy hoạch, xây dựng, đầu tư, tài chính-ngân sách; cơ chế liên kết, phát triển vùng Thủ đô.

Đặc biệt, cơ quan chức năng đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển theo định hướng giao thông công cộng; các quy định về thử nghiệm có kiểm soát, thí điểm các mô hình mới, đồng thời nghiên cứu, chỉnh lý về bố cục, sắp xếp lại các chương, điều, khoản, điểm trong dự thảo Luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục