Theo nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Anh đăng tải trên tạp chí "Biến đổi khí hậu tự nhiên" ngày 20/2, các hồ nhỏ tự nhiên đang gây mối đe dọa không ngờ, làm đẩy nhanh tốc độ nóng lên toàn cầu.
Do các ao hồ nhỏ đóng vai trò quan trọng trong vòng tuần hoàn khí carbon của hành tinh, giúp cân bằng giữa lượng phát thải và hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính, nhóm nhà khoa học đã tiến hành các thí nghiệm mô phỏng tại những vùng hồ nhỏ với nhiệt độ được làm nóng hơn 4 độ C so với thông thường, mô phỏng tình trạng ấm lên toàn cầu vào năm 2100. Qua đó, họ nhận thấy sau 7 năm nhiệt độ liên tục tăng cao, các hồ nhỏ tự nhiên đang dần mất gần một nửa khả năng hấp thụ khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, trong khi lượng khí độc metan bốc hơi từ chính các ao hồ này lại tăng lên gần gấp 2 lần.
Giáo sư Gabriel Yvon-Durocher thuộc Đại học Exeter, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng hai xu hướng này sẽ ngày càng tỷ lệ nghịch với nhau theo thời gian. Theo Giáo sư Durocher, nghiên cứu trên chỉ ra rằng tình trạng Trái Đất nóng lên về cơ bản có thể làm biến đổi sự cân bằng carbon ở các hồ nhỏ qua nhiều năm, thậm chí có thể đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu.
Ông Durocher cho rằng các nhà nghiên cứu đang tham gia lập báo cáo khoa học của Liên hợp quốc về tình trạng biến đổi khí hậu, dự kiến công bố vào năm 2020, nên lưu ý phát hiện này.
Theo một nghiên cứu trước đó, dù các ao hồ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng thể bề mặt Trái Đất, nhưng lượng phát thải khí metan từ những hồ nước này lại chiếm tới 40% tổng lượng khí metan toàn cầu. Loại khí này tích tụ trong quá trình bức xạ Mặt Trời nhiều gấp 28 lần so với khí CO2, trở thành khí gây hiệu ứng nhà kính cao hàng đầu.
Cho tới nay, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) vẫn chưa tính tới các tác động sâu rộng hơn của hiện tượng Trái Đất nóng lên đối với hệ sinh thái môi trường nước nói trên. Trong khi đó, lượng khí thải carbon do con người tạo ra chủ yếu xuất phát từ hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, chiếm trên 70% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới. 30% còn lại đến từ hoạt động phá rừng, ngành công nghiệp chăn nuôi và nông nghiệp.
Theo Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực từ tháng 11 năm ngoái, gần 200 quốc gia trên thế giới đã cam kết duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng rất khó có thể đạt được mục tiêu này./.