Lý do Pháp và Nhật Bản hợp tác, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải?

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và người đồng cấp Pháp kịch liệt phản đối các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng tại các vùng biển tranh chấp chấp.
Lý do Pháp và Nhật Bản hợp tác, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải? ảnh 1Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Ảnh: Japan Times/ TTXVN)

Theo Kyodo, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Pháp ngày 11/1 đã tổ chức các cuộc hội đàm tại một căn cứ hải quân của Pháp ở thành phố biển Brest, nằm ở miền tây bắc nước Pháp.

Mục đích của các cuộc hội đàm theo công thức 2+2 này là nhằm tăng cường quan hệ hợp tác an ninh hàng hải song phương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tham dự các cuộc hội đàm, về phía Nhật Bản có Ngoại trưởng Taro Kono, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya, còn Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly đại diện cho phía Pháp.

Sau các cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và người đồng cấp Pháp Florence Parly cùng lên tiếng phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông khiến cho tình hình trở nên căng thẳng, đồng thời thông báo "nâng cao hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các đơn vị quân đội Pháp đóng tại các đảo ở Nam Thái Bình Dương từ quân sự cho đến khoa học, công nghệ, môi trường và năng lượng.

Hai bên cũng nhất trí lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận chung ở khu vực Ấn Độ Dương với sự tham gia của hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp vào cuối năm nay.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng 2 nước cũng khẳng định sẽ thiết lập một khuôn khổ song phương mới để thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải và môi trường. Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc hội đàm an ninh 2+2, các bộ trưởng đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhất trí tiếp tục hợp tác để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

[Đạo luật ARIA: Mỹ tăng sức ép trong cuộc tranh đua với Trung Quốc]

Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi kịch liệt phản đối các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng tại các vùng biển tranh chấp chấp." Tokyo hiện lâm vào cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh liên quan đến quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ trong lĩnh vực quốc phòng dựa trên một thỏa thuận mà hai ông Kono và Parly đã ký hồi tháng 7/2018. Hiện nay, hai nước đã và đang chuẩn bị cho các cuộc tập trận chung và có dự án chế tạo “tàu ngầm tự hành săn thủy lôi.”

Về phía Tokyo, để đối phó với nguy cơ bị không quân Trung Quốc và Nga uy hiếp và xâm lược, máy bay quân sự của Nhật Bản sẽ được trang bị hệ thống tấn công điện tử để phá sóng ra đa và truyền tin của đối phương.

Mục tiêu thứ nhất là tăng cường khả năng tự vệ chống tên lửa có trang bị hệ thống nhiễu sóng đánh lừa ra đa của Nhật Bản. Mục đích thứ hai là vô hiệu hóa từ xa khả năng tấn công của không quân, hải quân hay bất cứ lực lượng nào của đối phương muốn xâm lược nước Nhật. Kế hoạch này đã được đưa vào ngân sách quốc phòng kể từ năm tới 2020.

Nhật báo Yomiuri cho biết chính phủ Nhật Bản đã rút ra bài học của Ukraine năm 2014. Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, hệ thống truyền tin liên lạc giữa bộ chỉ huy và các đơn vị của Ukraine bị Nga phá sóng làm tê liệt. Quân đội Trung Quốc cũng đã trang bị cho các tiền đồn ở Biển Đông loại vũ khí điện tử này.

Về vấn đề Triều Tiên, 2 nước cũng tái khẳng định sự cần thiết phải yêu cầu Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Pháp nhất trí sẽ nỗ lực ngăn chặn các hoạt động chuyển giao hàng hóa mà Triều Tiên thực hiện để tránh các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục