Lý do Philippines muốn xét lại hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã nói đến sự cần thiết của việc xem xét lại Hiệp ước Phòng thủ Chung 1951 (MDT) với Mỹ trong bối cảnh lo ngại an ninh tại Biển Đông ngày càng tăng.
Binh sỹ Philippines và Mỹ trong một cuộc tập trận ở Fort Magsaysay, tỉnh Nueva Ecija, phía Bắc thủ đô Manila. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, trong cuộc họp báo hồi cuối tháng 12/2018 tại Trại Aguinaldo, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã nói đến sự cần thiết của việc xem xét lại Hiệp ước Phòng thủ Chung 1951 (MDT) với Mỹ trong bối cảnh các lo ngại an ninh tại Biển Đông ngày càng gia tăng.

Theo lời người đứng đầu ngành quốc phòng Philippines, trước thái độ không rõ ràng của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền của Philippines tại Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông), “chính phủ (Manila) có 3 lựa chọn sau khi xem xét: duy trì, củng cố hoặc hủy bỏ hiệp ước.”

Tiền đề chính của MDT ghi rõ “Philippines và Mỹ sẽ hỗ trợ lẫn nhau khi một trong hai bên bị một lực lượng bên ngoài tấn công.”

MDT giữa Philippines và Mỹ được ký vào ngày 30/8/1951 tại thủ đô Washington D.C của Mỹ. Bên cạnh MDT, hai nước còn ký nhiều thỏa thuận khác như Thỏa thuận Thăm viếng 1998, Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng tăng cường 2014.

Sau khi Mỹ rút khỏi Manila vào năm 1992, quan hệ song phương đã gia tăng đáng kể trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Dù vậy, yếu tố khích lệ quan hệ an ninh vẫn là MDT 1951. Các học giả thậm chí còn xem Mỹ là “chiếc ô an ninh” của Philippines.

Trong cuộc gặp hồi tháng 9/2018 với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Lorenzana từng nói rằng: “Hầu hết giới lãnh đạo quốc phòng đều nhất trí rằng liên minh Philippines-Mỹ bền chặt là nhờ vào lịch sử gắn kết lâu dài và cam kết vững chắc là phối hợp cùng nhau trên nguyên tắc của các giá trị chung.”


[Quân đội Philippines và Mỹ tái khẳng định quan hệ đồng minh]

Vì vậy, tuyên bố mà Bộ trưởng Delfin Lorenzana đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái rằng “hiệp ước được ký từ thời Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh Lạnh ngày nay còn tồn tại hay không? Nó có còn phù hợp với tình hình an ninh hiện nay không? Có lẽ là không” thực sự đã khiến người ta phải ngạc nhiên.

Theo nhiều nhà phân tích Philippines như Richard Heydarian, Philippines đang đối mặt với mối đe dọa từ bên ngoài lớn nhất từ trước tới nay, cụ thể là một Trung Quốc với chủ trương bành trướng ở Biển Đông.

Năm 2016, Tòa Trọng tài ở La Haye đã ra phán quyết công nhận chủ quyền của Philippines và xác lập quyền hạn của Manila đối với 3 thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã hoàn toàn phớt lờ phán quyết và thậm chí còn xây các hòn đảo nhân tạo kiên cố ở Biển Đông, trong đó có Đá Vành khăn. Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) đã liệt tranh chấp lãnh thổ vào danh sách các mối đe dọa chính từ bên ngoài.

Điều này buộc Manila yêu cầu Mỹ phải có lập trường mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông theo hướng có lợi cho đồng minh hiệp ước của mình.

Dù vẫn tiến hành các chuyến tuần tra bằng tàu chiến và máy bay tại Biển Đông song Washington chưa hề cam kết rõ ràng về việc họ có bảo vệ Philippines trong trường hợp quốc gia này bị tấn công vũ trang hay không.

Trong quá khứ, Mỹ từng “án binh bất động” khi Trung Quốc đánh chiếm Đá Vành khăn vào năm 1995 và chiếm Bãi cạn Scarborough vào năm 2012.

Cách hành xử này của Mỹ không nhận được sự đồng tình của giới an ninh quốc phòng và quan trọng hơn là phần lớn người dân Philippines.

Trong bài phát biểu đêm giao thừa năm Âm lịch, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh “tình hữu nghị và hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc” đã dẫn tới “sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.”

Không còn giống như những gì từng diễn ra trong quá khứ khi Manila ngả theo Mỹ, Philippines ngày nay cũng như đa phần các quốc gia trong khu vực đều theo đuổi chiến lược “nước đôi”, điều đồng nghĩa với việc Mỹ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì lòng tin của đồng minh hiệp ước này.

Dưới thời Donald Trump, chính sách châu Á của Mỹ trở nên mạo hiểm hơn. Tuy nhiên, vào ngày 31/12/2018, Mỹ đã công bố Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) với nội dung tập trung vào việc thúc đẩy các lợi ích của Mỹ, cụ thể là trong khía cạnh quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng, tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong ARIA, Mỹ “thúc đẩy một chiến lược ngoại giao Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại các vùng biển châu Á thông qua các hoạt động hàng hải chung tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.”

Mỹ cũng tái khẳng định các cam kết hiệp ước với các quốc gia như Thái Lan và Philippines, nhắc lại khoản tài trợ trị giá 150 triệu USD/tài khóa dành cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ 2019-2023.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, Mỹ cũng tuyên bố cắt giảm viện trợ tài chính cho một số quốc gia như Campuchia, Myanmar và đồng minh an ninh gần gũi nhất tại ASEAN là Philippines do các vấn đề nhân quyền.

Theo một số học giả như Gregory Poling và Eric Sayers, “việc Philippines rút khỏi MDT có thể là thiệt hại nghiêm trọng đối với các lợi ích của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Thực tế những diễn biến trong khu vực thời gian gần đây phản ánh mong muốn của các quốc gia nhỏ bé về một vai trò chủ động hơn trong việc định đoạt các lợi ích của mình trước những cường quốc lớn như Mỹ. Mong muốn này đem đến cả thách thức và cơ hội cho các nước lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, thậm chí cả những quốc gia như Mỹ cũng đang tìm cách cân bằng quan hệ với Bắc Kinh, bất chấp cuộc chiến thương mại mà hai bên đang vướng vào.

Mong muốn của Philippines trong việc củng cố MDT đang đặt ra nhiều thách thức khó khăn cho Mỹ.

Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) ký năm 2014 giữa Mỹ và Philippines thực tế phụ thuộc khá nhiều vào MDT.

Thỏa thuận này cho phép Mỹ xây dựng các cơ sở và triển khai khí tài quốc phòng và hậu cần cũng như đưa quân đồn trú luân phiên tại các căn cứ quân sự của Philippines.

Trong bối cảnh Philippines “thay đổi cách nhìn” trong mối quan hệ với Trung Quốc và theo đuổi một chiến lược nước đôi, giới phân tích cho rằng việc “tiếp tục hiệp ước phòng thủ chung (Mỹ-Philippines) và EDCA là điều đặc biệt quan trọng đối với chính các lợi ích của Mỹ trong khu vực” chứ không chỉ là nhằm kiềm tỏa mối quan hệ đảo chiều giữa Manila và Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục