Lý do Trung Quốc mua lại các căn cứ quân sự ở nước ngoài

Ngay cả khi Trung Quốc tìm cách thiết lập căn cứ và cơ sở quân sự trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến dịch tuyên truyền chống lại sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á.
Lý do Trung Quốc mua lại các căn cứ quân sự ở nước ngoài ảnh 1Binh sỹ quân đội Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Tờ The Indian Express đã đăng bài viết của nhà bình luận chính trị hàng đầu Ấn Độ C.Raja Mohan giải thích lý do Trung Quốc mua lại các căn cứ quân sự ở nước ngoài, nội dung như sau:

Không có gì đáng ngạc nhiên về thông tin Mỹ đã thuyết phục được Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cản trở việc Trung Quốc bí mật xây dựng một cơ sở quân sự tại một hải cảng ở Abu Dhabi.

Thông tin về việc Trung Quốc ngày càng muốn có được các căn cứ quân sự ở nước ngoài đã xuất hiện từ hơn 1 thập kỷ qua. Bắc Kinh đã thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này ở Djibouti (vùng Sừng châu Phi) từ năm 2017. Đã xuất hiện những thông tin về việc Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài thứ hai tại Ream (Campuchia).

Tuy nhiên, Washington đã không thể buộc Campuchia phải ngừng hợp tác với Trung Quốc.

Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một cường quốc thương mại lớn với lực lượng hải quân đang phát triển nhanh chóng và có tham vọng địa chính trị to lớn, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ hiện diện hải quân thường trực ở Ấn Độ Dương.

Điều này sẽ làm thay đổi sâu sắc môi trường an ninh của Ấn Độ. Báo cáo thường niên gần đây của Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã đề cập đến một số quốc gia đang được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) "nhắm tới" để thiết lập các căn cứ quân sự.

Trong khi Myanmar, Thái Lan và Sri Lanka là những "ứng cử viên" thuộc vịnh Bengal, các nước ở khu vực phía Tây của Ấn Độ gồm Namibia, Seychelles, Tanzania và UAE đã lọt vào "tầm ngắm" của Bắc Kinh. Tất nhiên, Pakistan nằm trong sự lựa chọn riêng của Trung Quốc.

[Mỹ sẽ mở rộng các căn cứ quân sự ở đảo Guam và Australia]

Với mối quan hệ chính trị và quân sự lâu đời và sâu sắc với Trung Quốc, Pakistan có khả năng nổi lên như một địa bàn quan trọng nhất giúp Hải quân Trung Quốc triển khai sức mạnh ở Ấn Độ Dương. Điều này sẽ đặt ra những vấn đề quan trọng đối với công tác hoạch định chiến lược quân sự của Ấn Độ.

Trong quá khứ, Trung Quốc tuyên bố rằng nước này hoàn toàn khác với phương Tây và không quan tâm đến việc tạo ảnh hưởng cũng như tăng cường sức mạnh ở các vùng biển xa xôi hoặc các căn cứ quân sự nước ngoài.

Trung Quốc cũng tích cực vận động chống lại sự hiện diện quân sự của nước ngoài ở châu Á. Với tư cách là một cường quốc phòng thủ trong nửa sau của thế kỷ XX, ưu tiên của Trung Quốc là chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài đối với chủ quyền của họ và củng cố cuộc cách mạng cộng sản Trung Quốc.

Quan điểm của Trung Quốc đối với sự hiện diện quân sự của chính họ ở nước ngoài bắt đầu thay đổi khi nước này nhanh chóng vươn lên trở thành một cường quốc trong thế kỷ XXI. Điều đó dẫn đến một cuộc tranh luận có hệ thống trong các cơ quan hoạch định chính sách về an ninh của Trung Quốc.

Bước đầu tiên trong cuộc tranh luận này là nhằm thừa nhận rằng Trung Quốc có lợi ích vượt ra ngoài biên giới của mình. Trong một loạt báo cáo xuyên suốt những năm 2000, Bắc Kinh khẳng định rằng nền kinh tế gắn kết với nền kinh tế toàn cầu và có quy mô lớn của nước này cùng với sự phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường và tài nguyên nước ngoài đã tạo ra những lợi ích vượt ra khỏi phạm vi biên giới của Trung Quốc.

Khi quan điểm này được định hình, Bắc Kinh bắt đầu tranh luận về một câu hỏi mới vào đầu những năm 2000: Liệu Trung Quốc có nên sở hữu các căn cứ quân sự nước ngoài để đảm bảo lợi ích toàn cầu và khu vực của mình hay không? Cuộc tranh luận nhanh chóng diễn ra và xu hướng nghiêng về việc Trung Quốc nên sở hữu các căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Trung Quốc đã tiếp cận một cách thận trọng và khéo léo trong việc thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Đầu tiên, Bắc Kinh hiểu rằng thuật ngữ “căn cứ quân sự” mang tính chính trị nên khéo léo tránh sử dụng cụm từ này. Trung Quốc hiểu rằng việc quân đội nước này sở hữu các căn cứ quân sự nước ngoài là nhu cầu cấp thiết để mở rộng và tăng cường quyền lực và ảnh hưởng ra bên ngoài.

Tuy nhiên, việc sở hữu những căn cứ quân sự nước ngoài cần phải được tiến hành một cách hài hòa với tinh thần dân tộc chủ nghĩa khó tránh khỏi trong nền chính trị của các nước sở tại. Do đó, trọng tâm của Trung Quốc là xây dựng các cơ sở lưỡng dụng hơn là các căn cứ quân sự đơn thuần ở nước ngoài.

Djibouti là một ngoại lệ trong xu hướng này do quốc gia Đông Phi này hoan nghênh các cơ sở nước ngoài trên đất của mình. Thiếu thốn mọi nguồn lực, Djibouti chỉ đơn giản muốn nâng tầm vị trí chiến lược của mình ở vùng Sừng châu Phi.

Cách tiếp cận lưỡng dụng của Trung Quốc để đạt được quyền tiếp cận chiến lược ở các bờ biển xa xôi đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc mở rộng hoạt động xây dựng hải cảng ở nước ngoài trong hai thập kỷ qua và gần đây là sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại Abu Dhabi, hợp đồng của Trung Quốc là xây dựng một cơ sở dân sự. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh và các thông tin tình báo khác đã thuyết phục các nhà hoạch định chính sách của Mỹ về việc Trung Quốc bí mật xây dựng một cơ sở quân sự. Đó là khi Mỹ chính thức đặt vấn đề với chính phủ UAE, một trong những đối tác quân sự lớn của Mỹ ở vùng Vịnh.

Tình hình tương tự ở tiểu lục địa Ấn Độ (tức khu vực Nam Á), nơi Trung Quốc tập trung vào phát triển các cấu trúc mà trên giấy tờ là nhằm phục vụ mục đích dân sự song phục vụ cho các hoạt động trong tương lai của PLA.

Tất nhiên, vị trí chiến lược là một trong những cân nhắc hàng đầu để thiết lập các căn cứ. Tuy nhiên, yếu tố vị trí không tự động chuyển thành quyền tiếp cận quân sự chỉ vì mong muốn của Trung Quốc. Rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào bản chất của mối quan hệ tổng thể giữa Bắc Kinh với quốc gia mà Trung Quốc "nhắm đến."

Đổi lại, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ vun đắp các mối quan hệ đặc biệt với giới tinh hoa chính trị cũng như tăng cường quan hệ với các đơn vị quân sự ở quốc gia sở tại tiềm năng.

Sau đó, các hoạt động chuyển giao vũ khí và ngoại giao quân sự trở thành một phần không thể thiếu trong nỗ lực tìm cách thiết lập và điều hành các căn cứ của Trung Quốc ở nước ngoài.

Ngay cả khi Trung Quốc tìm cách thiết lập các căn cứ và cơ sở quân sự trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến dịch tuyên truyền chống lại sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á và các quan hệ đối tác chiến lược của Washington trong khu vực này.

Việc mở rộng tầm ảnh hưởng và sức mạnh quân sự của mình trong khi nỗ lực đẩy Mỹ ra khỏi "sân trước" là một phần trong nỗ lực thiết lập vị thế thống trị của Trung Quốc ở châu Á và ở các vùng lãnh hải trong khu vực.

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Mỹ cũng giống như chiến lược của Trung Quốc với Ấn Độ - tìm kiếm quyền tiếp cận quân sự đến vùng tiểu lục địa Ấn Độ và Ấn Độ Dương đồng thời làm suy yếu các mối quan hệ đối tác chiến lược của Delhi trong khu vực.

Điều đó dẫn đến những điểm tương đồng trong quan điểm của Trung Quốc và Ấn Độ về các căn cứ quân sự nước ngoài. Trong nửa sau của thế kỷ XX, giống như Bắc Kinh, New Delhi phản đối các căn cứ quân sự nước ngoài ở châu Á và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, tồn tại sự khác biệt lớn ở đây. Đối với Trung Quốc, việc phản đối các căn cứ nước ngoài bắt nguồn từ việc đánh giá những hậu quả an ninh trực tiếp mà các căn cứ quân sự nước ngoài có thể gây ra.

Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông coi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á vào những năm 1950 là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm đẩy lùi cuộc cách mạng cộng sản của Trung Quốc.

Thế nhưng, Mao khá hài lòng khi chứng kiến sự tồn tại của các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á khi quan hệ của Trung Quốc với Liên Xô trở nên căng thẳng trong khi quan hệ của Trung Quốc với Mỹ lại cải thiện. Đến những năm 1970, Trung Quốc nhận thấy sự hiện diện quân sự của Mỹ đóng vai trò nhất định trong việc ngăn chặn “chủ nghĩa đế quốc xã hội của Liên Xô” và “chủ nghĩa quân phiệt tiềm ẩn của Nhật Bản.”

Ngày nay, khi khả năng quân sự của Trung Quốc cải thiện và tham vọng chính trị của Trung Quốc gia tăng, thì Bắc Kinh đang nỗ lực "hất cẳng" Mỹ ra khỏi châu Á một lần nữa.

Trở lại điểm khác biệt lớn nói trên. Nếu việc Trung Quốc phản đối các căn cứ quân sự nước ngoài là yếu tố chính trị và phụ thuộc vào tình hình an ninh khu vực thì sự phản đối của Ấn Độ được coi là một nguyên tắc ý thức hệ bất di bất dịch. Việc New Delhi phản đối các căn cứ quân sự nước ngoài đã trở thành một phần thiết yếu trong chính sách đối ngoại không liên kết của Ấn Độ.

Trên thực tế, việc không có các căn cứ quân sự nước ngoài từ lâu đã được coi là tiêu chí chính để kết nạp một quốc gia vào phong trào không liên kết. Do đó, ngay cả thời kỳ sau này, khi Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, New Delhi bắt đầu phá bỏ mạng lưới quân sự rộng lớn mà họ được thừa hưởng từ giai đoạn nước Anh cai trị tiểu lục địa Ấn Độ. Chủ nghĩa biệt lập quân sự đã trở thành một lựa chọn thường trực mang tính ý thức hệ đối với Ấn Độ trong suốt thế kỷ XX.

Trong thế kỷ XXI, giống như Bắc Kinh, giới hoạch định chiến lược chính sách đối ngoại và an ninh bắt đầu ghi nhận những lợi ích chiến lược ngày càng tăng của Ấn Độ vượt ra ngoài biên giới.

Khi nhận thấy các kế hoạch tăng cường và mở rộng sức mạnh hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là xu hướng chắc chắn và xu hướng này đã trở nên rõ ràng, New Delhi bắt đầu nhận ra nhu cầu tiếp cận quân sự đến các vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thế nhưng, việc thuyết phục giới chính trị ở New Delhi từ bỏ chính sách đối ngoại thâm căn cố đế về vấn đề căn cứ quân sự nước ngoài là điều không dễ dàng. Do đó, Ấn Độ đã mất nhiều thời gian trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI (để tranh cãi về vấn đề này). Trong vài năm gần đây, Ấn Độ đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao quân sự.

Cuối cùng, tác giả cho rằng các nỗ lực của Delhi nhằm có được quyền tiếp cận căn cứ quân sự ở nước ngoài bao gồm các thỏa thuận đàm phán với các quốc gia thân thiện ở Ấn Độ Dương cũng như phát triển những quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Tuy nhiên, việc bắt kịp tốc độ và cường độ của chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc ở khu vực lân cận gần và mở rộng của Ấn Độ là một chặng đường dài đối với New Delhi. Và khoảng cách ngày càng gia tăng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với Ấn Độ trong tương lai không xa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục