Lý giải về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia

Sự bất đồng ngày càng lớn giữa Quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề Saudi Arabia khiến người ta nghi ngờ về tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ và quốc gia Trung Đông này.
Lý giải về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman trong cuộc gặp tại Washington DC., ngày 20/3/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết trên nhật báo Washington Post và the Hill, trong những tuần vừa qua, sự bất đồng ngày càng lớn giữa Quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề Saudi Arabia khiến người ta nghi ngờ về tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ và quốc gia Trung Đông này.

Trong những năm gần đây, Saudi Arabia đã không còn nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ và điều này được bắt đầu thể hiện từ năm 2016 khi Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép các gia đình nạn nhân vụ khủng bố kinh hoàng ngày 9/11 kiện Saudi Arabia.

Tuy nhiên, chỉ tới khi vụ sát hại nhà báo người Saudi Jamal Khashoggi xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10 vừa qua, các nhà lập pháp Mỹ mới thực sự nổi “cơn thịnh nộ”, kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump đưa ra quan điểm rõ ràng về vụ việc trên, cũng như các biện pháp trừng phạt Saudi Arabia sau khi có thông tin của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định Thái tử Saudi Saudi Mohammed bin Salman đứng đằng sau vụ việc này.

Trong một động thái cho thấy sự cứng rắn của các nhà lập pháp Mỹ đối với Saudi Arabia, trong tuần này Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua một nghị quyết nhằm chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ cho chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen, quốc gia đang trải qua cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài từ năm 2015 khiến hàng ngàn dân thường bị thiệt mạng và gây ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử.

Trước đó, một nhóm gồm 21 nghị sỹ lưỡng đảng tại Hạ viện do Hạ nghị sỹ Jim McGovern thuộc đảng Dân chủ đứng đầu đã đệ trình một dự luật chấm dứt ngay lập tức tất cả các thương vụ bán vũ khí cho chính phủ Saudi Arabia.

Trong một tuyên bố, nghị sỹ McGovern kêu gọi nghiêm túc xem xét các thương vụ vũ khí của Mỹ cho chính phủ Saudi Arabia. Ông cho rằng với cái chết của nhà báo Khashoggi, đã đến lúc Mỹ ngừng tất cả các thương vụ vũ khí và viện trợ quân sự cho Saudi Arabia.

Ngoài ra, Thượng nghị sỹ Bob Menendez và Todd Young cũng sẽ đề xuất một dự luật có phạm vi rộng vào năm 2019. Theo đó, sẽ yêu cầu trừng phạt trong vòng 30 ngày với bất cứ ai liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi, thậm chí bao gồm bất kỳ quan chức của chính phủ Saudi Arabia hoặc các thành viên gia đình hoàng gia nếu tham gia vào vụ việc.

Dự luật này cũng yêu cầu một báo cáo về hồ sơ nhân quyền của Saudi Arabia trong vòng 30 ngày.

Để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Yemen, dự luật cũng sẽ trì hoãn việc bán vũ khí của Mỹ cho Saudi và cấm quân đội Mỹ tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu của liên minh do Saudi dẫn đầu tại Yemen.

[Hạ viện Mỹ sẽ điều tra mối quan hệ giữa ông Trump và Saudi Arabia]

Bất chấp những phản ứng mạnh mẽ từ các nhà lập pháp Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump thể hiện thái đội “mềm mỏng” thậm chí “làm ngơ" vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Trước thông tin của Cơ quan tình báo trung ương (CIA) cho rằng Thái tử Saudi Saudi Mohammed bin Salman biết về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, Tổng thống Trump cho rằng còn quá sớm để kết luận, thậm chí còn lấp lửng về khả năng Thái tử Mohammed bin Salman có liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi.

Sau đó, trong một tuyên bố, Tổng thống Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ với Saudi bởi nguồn cung dầu, những thương vụ mua bán vũ khí cùng sự ủng hộ mà Riyadh có vai trò quan trọng trong chính sách của Washington cũng như chính sách kiềm chế Iran trong khu vực Trung Đông.

Cho đến nay, phản ứng mạnh nhất của Mỹ chỉ dừng lại ở việc trừng phạt 17 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Theo các chuyên gia, sự bất đồng và căng thẳng giữa Quốc hội và Nhà Trắng khó có thể phá hủy được mối quan hệ này, tuy nhiên Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn hơn khi hợp tác với Riyadh trong tương lai.

Chắc chắn rằng, khi chính thức giành lại quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1 tới, các nghị sĩ đảng Dân chủ - hiện đang lên kế hoạch khởi động những nỗ lực đưa ra các các biện pháp cứng rắn với Saudi Arabia - sẽ là một thách thức đối với chính sách của Tổng thống Trump đối với quốc gia này.

Ông Gerald Freierstein, Phó chủ tịch cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Đông và cựu Đại sứ Mỹ tại Yemen, nhận định rằng có khả năng mối quan hệ hai nước sẽ bị tác động và không còn mật thiết như trước.

Tuy nhiên, hai bên sẽ vẫn tiếp tục hợp tác và phối hợp trong những vấn đề cả hai cùng có lợi, bởi Mỹ không duy trì mối quan hệ dựa trên tình bạn mà dựa trên lợi ích chung, chống lại chủ nghĩa cực đoan ở Trung Đông và chống lại mối đe dọa từ Iran./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục