Bảo tàng sống về chủ quyền

Lý Sơn - Bảo tàng sống về chủ quyền của Việt Nam

Hàng trăm năm nay, các tộc họ ở đảo Lý Sơn đã gìn giữ hệ thống văn hóa minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trước đây thường gọi là Cù Lao Ré, có diện tích tự nhiên 10km2, hiện nay có hơn 20.000 người dân đang sinh sống tại ba xã An Vĩnh, An Hải và An Bình.

Hàng trăm năm nay các tộc họ trên đất đảo đã và đang gìn giữ, bảo vệ, lưu truyền từ đời này đến đời khác hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, được coi là bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hệ thống văn hóa vật thể phong phú


Về hệ thống văn hóa vật thể trên huyện đảo này, trước tiên phải kể đến nhà thờ các tộc họ, trong đó nhà thờ các tộc họ có nhiều người đi Hoàng Sa, Trường Sa hàng trăm năm trước như nhà thờ cai đội Phạm Quang Ảnh (1815 - Ất Hợi - thời vua Gia Long); nhà thờ họ Phạm Văn.

Đây là một trong những tộc họ trên đảo có rất nhiều người đi Hoàng Sa, Trường Sa nổi tiếng như thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835 - Ất Mùi), Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật mà nay bài vị có tên ông đang lưu giữ tại nhà thờ Phạm Văn (thứ phái) và ngôi mộ Phạm Hữu Nhật tại thôn Đông, xã An Vĩnh; Nhà thờ tộc họ Võ tại thôn Tây, xã An Vĩnh.

Họ Võ cũng có nhiều người đi Hoàng Sa, Trường Sa như đốc chiến Võ Hệ; phú nhuận hầu Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng (người có tên ghi trong tờ lệnh năm 1834 của quan Án sát Quảng Ngãi lúc bấy giờ). Ông Võ Văn Hùng là người được điều đi Hoàng Sa nhiều lần, được giao nhiệm vụ đo đạc Hoàng Sa.

Thời vua Gia Long và vua Minh Mạng tên các ông đã được ghi trong các bộ chính sử của Việt Nam. Tiếp đến là mộ gió các ông Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Nguyễn Văn Tám và hàng nghìn ngôi mộ gió khác hiện diện đến nay trên đảo Lý Sơn.

Theo các tộc họ trên đảo Lý Sơn, hầu hết các ngôi mộ gió này do các tộc họ sinh sống trên đảo lập hàng trăm năm trước được bảo tồn, lưu giữ nhằm ghi công những người đã hy sinh không trở về, trong quá trình đi Hoàng Sa, Trường Sa hoặc khi hoàn thành nhiệm vụ trên đường về gặp sóng to, bão tố...

Các di tích Âm Linh Tự, đình làng An Vĩnh và đình làng An Hải - nơi đây những người lính trước khi đi Hoàng Sa, Trường Sa tập trung về đình làng tế tự và là nơi thờ phụng và tế tự các chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa đã hy sinh vì Tổ quốc.

Tại huyện đảo Lý Sơn, đến nay đã có ba di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia gồm chùa Hang, đình làng An Hải và Âm Linh Tự và 7 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Như vậy, chỉ với 10km2 nhưng Lý Sơn đã được công nhận 10 di tích lịch sử văn hóa.

Đa dạng hệ thống văn hóa phi vật thể

Đối với hệ thống văn hóa phi vật thể, tiêu biểu nhất là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức từ giữa tháng Hai đến giữa tháng Ba âm lịch hàng năm tại các tộc họ trên huyện đảo.

Đặc biệt, Lễ khao lề thế lính và tế lính vào ngày 15, 16 tháng Ba âm lịch hàng năm tại Âm Linh Tự, đình làng An Vĩnh được tổ chức rất trọng thể theo đúng nghi thức của cha ông hàng trăm năm trước thể hiện được lòng tôn kính, nhớ ơn và tế tự những người đã xả thân quên mình với non sông, đất nước.

Bên cạnh đó, có hệ thống truyền thuyết, truyện kể dân gian, những câu ca dao, hoành phi, liễn đối liên quan đến những người đi lính bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, người đã 15 năm nay dành thời gian, công sức nghiên cứu về hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể trên đảo Lý Sơn, khẳng định điều đặc biệt nhất là những tư liệu về văn bản chữ Hán cổ còn lưu giữ tại nhiều tộc họ trên đảo này đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến những người lính Hoàng Sa, Trường Sa thuở trước.

Trong đó, có thể ví dụ như câu liễn tại đình làng An Vĩnh:
"Ân đức dựng xây miền đảo Lý
Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa"

Hay những câu ca dao hầu như tất cả mọi người trên huyện đảo này đều thuộc như:
“Hoàng Sa mây nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa.”

Những câu ca dao trên đã toát lên những điều mà những người lính đi Hoàng Sa năm xưa ra đi bảo vệ biên cương lãnh hải của Tổ quốc là nhiệm vụ rất trọng đại của triều đình giao cho.

Dẫu biết rằng đã ra đi khó có ngày trở về, và trước khi đi mỗi người chuẩn bị sẵn vài chiếc chiếu, mấy sợi mây và thẻ bài ghi rõ tên tuổi, quê quán để nếu hy sinh, đồng đội bó vào cho trôi dạt trên biển, với hy vọng sóng biển đưa đẩy về quê hương./.


Nguyễn Đăng Lâm (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục