Ma túy vào Việt Nam theo tấn vì chưa bị 'đánh' nặng như các nước?

Tại phiên chất vấn sáng 4/6, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Tại sao từ năm 2017 tới nay, lượng ma túy vào Việt Nam với số lượng rất lớn. Điều này trước đó không xảy ra.
Ma túy vào Việt Nam theo tấn vì chưa bị 'đánh' nặng như các nước? ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 4/6.

Hàng loạt câu hỏi về hiệu quả công tác phòng chống ma túy đã đặt ra với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 4/6.

Làm 3 vụ: 2 vụ bị bắt, 1 vụ trót lọt vẫn lời

Đại biểu Trương Thị Yến Linh, đoàn Cà Mau nêu lên câu hỏi: Hiện nay, nhiều vụ vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy không tính bằng kilôgam mà là tấn. Vậy, phải chăng công tác phòng ngừa tình trạng trên còn hạn chế, hiệu quả thấp so với sự phức tạp của tình hình thực tế. Trách nhiệm của Bộ Công an trước tình hình trên ra sao?

[Tham gia phá án ma túy, một thiếu tá biên phòng anh dũng hy sinh]

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đoàn Lâm Đồng cũng nêu lên lo lắng tương tự. Vị này đặt ra nghi vấn, có phải việc lượng ma túy vào nước ta tăng thời gian qua do Việt Nam chưa "đánh ma túy" nặng như các nước?

Các đại biểu Quốc hội khác như Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp hay Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận cũng đặt ra câu hỏi với Bộ trưởng Tô Lâm về vấn đề tương tự.

Trả lời những thắc mắc này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế và không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được mà không có sự hợp tác.

Theo Bộ trưởng, nguy cơ tội phạm ma túy ở Việt Nam phát triển một phần do nước ta gần vòng xoáy Tam Giác Vàng - trung tâm ma túy lớn thế hai thế giới. Ngoài ra, Bộ trưởng đánh giá, tình hình ma túy trên thế giới đang phức tạp, đặc biệt là trong điều kiện nhiều nước hợp thức hóa ma túy.

Một nguyên nhân khác theo ông là số người nghiện ma túy trong nước vẫn tăng.

"So với một số nước, ta ở mức độ kiểm soát được nhưng rõ ràng số người nghiện trong nước ngày càng tăng lên. Đó là thách thức lớn," người đứng đầu Bộ Công an nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, theo luật, người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự. Qua đó, cơ quan chức năng đang nghiên cứu để có thể sửa đổi.

Vấn đề khó khăn theo Bộ trưởng là thủ tục thông quan hàng hóa, nhập cảnh tại Việt Nam đang thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Chính điều này đã bị các đối tượng lợi dụng để vận chuyển buôn bán trái phép.

Theo Bộ trưởng, với tội phạm buôn bán ma túy, nếu các đối tượng làm 3 vụ, bị bắt 2 vụ, 1 vụ trót lọt thì... vẫn lời.

Ma túy vào Việt Nam theo tấn vì chưa bị 'đánh' nặng như các nước? ảnh 2Ảnh minh họa.

Nguồn cung từ nước ngoài lớn

Sau phần trả lời trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đoàn Lâm Đồng đã tranh luận với Bộ trưởng Tô Lâm. Vị này đặt câu hỏi: Tại sao từ năm 2017 tới nay, lượng ma túy vào Việt Nam với số lượng rất lớn. Điều này trước đó không xảy ra. Ông nhấn mạnh lại câu hỏi, phải chăng các nước xung quanh Việt Nam đang "đánh ma túy" mạnh nên tội phạm chọn Việt Nam là địa bàn trung chuyển.

Trả lời thêm, Bộ trưởng Tô Lâm nêu lên: "Dù Việt Nam phát hiện bắt giữ một số vụ ma túy lớn nhưng chúng tôi đánh giá nguy cơ còn hiện hữu, đòi hỏi tăng cường đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa."

Vấn đề đáng lo theo ông Lâm là hiện nguồn cung từ nước ngoài lớn và chưa được ngăn chặn. Biểu hiện của thực tế này là giá ma túy chưa cao.

"Nếu ngăn chặn ma túy từ nước ngoài thì giá trong nước phải cao lên. Hiện tại, dù ta đấu tranh ngăn chặn nhưng giá trong nước chưa biến động. Nguồn cung từ nước ngoài vẫn phức tạp," Bộ trưởng thừa nhận.

Ngoài ra, theo ông, hiện Việt Nam mới kiểm soát được tại các cửa khẩu nhưng còn nhiều lối mòn và đường biển dài có thể bị các đối tượng lợi dụng vận chuyển ma túy.

Về giải pháp, Bộ Công an đang vào cuộc với Lào để mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm dọc biên giới. Đây là công tác theo ông Lâm là đang có hiệu quả tốt.

Người đứng đầu Bộ Công an cũng cho biết đang có kế hoạch mời các nước trong khu vực và tổ chức quốc tế họp bàn, thống nhất kế hoạch đấu tranh phòng chống ma túy. Bên cạnh đó, ông kiến nghị các ngành nâng cao quản lý từng lĩnh vực liên quan để tăng cường hiệu quả.

Nói thêm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chống ma túy là cuộc chiến gian khổ và không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành công an mà cả hệ thống chính trị, từng gia đình.

Chủ tịch Quốc hội nhắc tới việc, mới hôm qua, một chiến sỹ biên phòng tại Thanh Hóa đã hy sinh, 2 chiến sỹ khác bị thương trong cuộc chiến chống ma túy.

"Thời gian qua, lực lượng công an và biên phòng đã phối hợp tốt, ngăn chặn, phát hiện nhiều vụ ma túy. Nếu không phát hiện được thì lượng ma túy đó sẽ gây tác hại lớn đến đời sống xã hội, tới từng gia đình, thế hệ trẻ," Chủ tịch Quốc hội nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục