Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Chính phủ Peru ngày 27/1 thông báo quyết định đóng cửa trở lại thành cổ Machu Picchu của người Inca trong vòng hai tuần (từ ngày 31/1 đến 14/2), với lý do số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng đột biến khiến giới chức nước này phải đưa ra lệnh giãn cách xã hội mới.
Trước đó, Chính phủ Peru đã ban hành một sắc lệnh về những hạn chế áp dụng tại 17 tỉnh với tổng cộng 16,4 triệu cư dân, chiếm 50% dân số của nước này, nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh COVID-19.
Sắc lệnh này bao gồm biện pháp cách ly xã hội tại tỉnh Cusco - nơi có thành đá cổ Machu Picchu - khiến khu di tích này sẽ phải đóng cửa lần thứ hai kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020 tại Peru.
Theo Bộ Y tế Peru, tỉnh Cusco hiện đang ở mức cảnh báo “rất cao” về khả năng lây lan dịch bệnh. Theo chính quyền Cusco, số ca mắc COVID-19 tại tỉnh này hiện đã vượt quá con số 26.000 người.
Thánh địa Machu Picchu đã được mở cửa trở lại vào tháng 11/2020. Mặc dù vậy, vì lý do an toàn, chỉ có 675 du khách được vào thăm di tích này mỗi ngày - khoảng 30% công suất hoạt động trước khi dịch bệnh bùng phát.
Machu Picchu là di sản cổ xưa nhất của đế chế Inca - từng cai trị một vùng rộng lớn phía Tây Nam Mỹ cách đây 100 năm, trước cuộc chinh phạt của người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16.
Tàn tích khu định cư của người Inca đã được nhà thám hiểm người Mỹ Hiram Bingham phát hiện vào năm 1911. Khu di tích này được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 1983 và được cộng đồng quốc tế bình chọn là một trong 7 kỳ quan thế giới trong năm 2007.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, “Thành phố đã mất của người Inca” đón khoảng 3.000-5.000 lượt khách tham quan mỗi ngày.
[Peru: Du khách quốc tế đầu tiên tham quan Machu Picchu sau 7 tháng]
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/1, phát biểu tại trụ sở Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) thuộc Liên hợp quốc ở thủ đô Santiago của Chile nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia láng giềng, Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã đưa ra lời kêu gọi các nước Mỹ Latinh tăng cường các giải pháp hợp tác để có thể cùng nhau đối mặt với đại dịch COVID-19.
Tổng thống Fernández nhận định đại dịch COVID-19 cho thấy nền tảng kinh tế và xã hội của khu vực Mỹ Latinh còn yếu, đồng thời chỉ trích "sự thiếu thống nhất" giữa các quốc gia trong việc quản lý và phân phối các loại vắcxin ngừa bệnh.
Do đó, các nước trong khu vực cần phải đặt yếu tố đoàn kết lên cao nhất, đồng thời thúc đẩy một xã hội bình đẳng hơn cho tất cả mọi người.
Theo Tổng thống Argentina, công thức để đối mặt với đại dịch COVID-19 bao gồm tăng cường chủ nghĩa đa phương dựa trên tính đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia và phát triển một "chủ nghĩa tư bản nhân đạo hơn.”
Trong báo cáo mới nhất về tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ Latinh và Caribe, tổ chức CEPAL cho biết mặc dù các quốc gia trong khu vực tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh COVID-19, số ca nhiễm tại khu vực này vẫn không ngừng gia tăng.
Tính đến nay, trên toàn Mỹ Latinh đã ghi nhận gần 18.242.000 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có hơn 576.000 ca tử vong./.