Báo động nạn tảo hôn

Malaysia đang lo ngại về việc gia tăng nạn tảo hôn

Chỉ riêng bang Kedah, số lượng đơn đăng ký kết hôn liên quan đến các cá nhân chưa đủ tuổi thành niên đã tăng 35% chỉ trong 2 năm.
Tỷ lệ tảo hôn ngày càng tăng đang đặt ra vấn đề xã hội đáng quan ngại tại Malaysia. Chỉ riêng bang Kedah, số liệu thống kê của Cục Hồi giáo bang cho thấy từ năm 2008 đến năm 2010 số lượng đơn đăng ký kết hôn liên quan đến các cá nhân chưa đủ tuổi thành niên đã gia tăng 35%.

Trong năm 2008, Cục này đã nhận được 75 giấy đăng ký kết hôn từ các cá nhân chưa đến tuổi thành niên. Con số này đã tăng lên 99 đơn trong năm 2009 và 101 trong năm 2010.  Trong tổng số các trường hợp tảo hôn thì 90% liên quan đến trẻ em gái dưới 16 tuổi.

Một trong những lý do được các bậc cha mẹ viện dẫn khi đồng ý cho con gái chưa đến tuổi thành niên kết hôn là vì không thể kiểm soát được và chấp nhận cho chúng kết hôn sẽ là giải pháp tốt nhất. Một số khác chấp nhận cho con gái lập gia đình sớm là để giải quyết vấn đề kinh tế.

Saira Shameem, Quản lý chương trình Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Malaysia, cho rằng các số liệu thống kê như trên là đáng lo ngại vì chúng cho thấy trình trạng tảo hôn đang là một vấn đề lớn tại Malaysia.

Theo bà, ở một đất nước ổn định kinh tế như Malaysia, nơi mà phụ nữ được đào tạo và làm việc ở các ngành nghề cao cấp và nơi các nữ sinh chiếm tới 60% sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học, thì nạn tảo hôn không nên xảy ra. Saira cho rằng một trong những biện pháp để ngăn chặn trình trạng tảo hôn là giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh niên.

Bà nói: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi sẽ thực sự trì hoãn quan hệ tình dục. Giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cũng sẽ giúp các bạn gái có thêm các chọn lựa.”

Một số nhà hoạt động nhân quyền ở Malaysia cũng chỉ ra những tác hại của tảo hôn đối với những người vị thành niên, đặc biệt là nữ giới.

Theo họ, hôn nhân đánh dấu sự kết thúc của thời niên thiếu của một đứa trẻ và giảm bớt sự tự do của họ. Hầu hết các cô gái kết hôn sớm đều bỏ học và đối mặt với các nguy cơ sức khỏe kỳ đầu mang thai và sinh con sớm. Trên toàn thế giới, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho các cô gái 15 đến 19 tuổi là liên quan đến thai sản.

Theo luật pháp Malaysia, tuổi kết hôn hợp pháp của người không theo Hồi giáo là 18. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân được phép cho những người từ 16 đến 18 với sự đồng ý bằng văn bản của thủ hiến bang.

Đối với người Hồi giáo, tuổi hợp pháp để kết hôn đối với nam giới là 18 và nữ là 16. Tuy nhiên, với sự cho phép của tòa án Syariah (tòa Hồi giáo), người Hồi giáo có thể kết hôn ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt nhân quyền đã kêu gọi chính phủ Malaysia cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn tảo hôn, đặc biệt là sửa đổi luật.

Giám đốc điều hành Hội Chị em Hồi giáo Ratna Osman cho rằng tuổi kết hôn hợp pháp cho cả người Hồi giáo và không theo Hồi giáo nên là 18 tuổi. Bà nói: “Trong thời đại ngày nay, tảo hôn chỉ là không thể chấp nhận được. Chúng tôi muốn tuổi hợp pháp cho cả nam và nữ là 18, và mức tối thiểu cho các bé gái Hồi giáo là 16 nhưng với điều kiện nghiêm ngặt.”

Nhân ngày Quốc tế trẻ em gái lần thứ nhất (11/10/2012), Liên Hợp Quốc đã kêu gọi một nỗ lực chung của thế giới nhằm chấm dứt nạn tảo hôn.

Thống kê cho thấy trên thế giới, cứ ba phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 24 thì có một người (xấp xỉ 70 triệu người) kết hôn trước 18 tuổi. Nếu khuynh hướng này cứ tiếp tục thì trong thập kỷ tới, số trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi sẽ tăng lên 150 triệu em./.
 
Xuân Triển/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục