Malaysia tin tưởng RCEP mang lại cơ hội mở rộng thị trường

Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia bày tỏ tin tưởng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp Malaysia.
Malaysia tin tưởng RCEP mang lại cơ hội mở rộng thị trường ảnh 1Thủ tướng Malaysia chứng kiến Lễ ký kết Hiệp định RCEP. (Nguồn: Bernama)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMM) bày tỏ tin tưởng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp Malaysia, tạo ra các chuỗi giá trị mới, gia tăng hoạt động kinh tế và tăng cường liên kết chuỗi cung ứng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Chủ tịch FMM Soh Thian Lai, Malaysia đã thực hiện các hiệp định tự do thương mại (FTA) với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhưng RCEP sẽ chứng kiến các FTA "hội nhập" thành một cấu trúc thương mại và đầu tư duy nhất, gắn kết trong khu vực.

Chủ tịch FMM hoan nghênh việc ký kết RCEP và khẳng định các doanh nghiệp Malaysia hoàn toàn ủng hộ hiệp định này.

[Giới chuyên gia khu vực đánh giá cao việc ký kết Hiệp định RCEP]

Ông Soh Thian Lai cho rằng trong khuôn khổ hợp tác RCEP, các FTA hiện tại giữa ASEAN và các đối tác trên sẽ được sắp xếp hợn lý hơn, với các cam kết mở cửa thị trường sâu rộng hơn đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa các hiệp định hiện có, giúp tạo dựng khu vực kinh tế cạnh tranh.

Chủ tịch FMM lưu ý điều quan trọng đối với Malaysia và các đối tác ASEAN là phải đảm bảo tất cả các bên ký kết phê chuẩn RCEP vào đầu năm 2021 để thỏa thuận này có thể có hiệu lực và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong thời điểm đầy thách thức hiện tại.

Đối với các doanh nghiệp Malaysia, doanh nhân Soh Thian Lai cho rằng ngoài việc giảm bớt các rào cản thương mại, RCEP cũng sẽ tăng cường tính minh bạch trong thương mại và đầu tư, thu hút các công ty nước ngoài muốn tham gia thị trường ASEAN.

Cùng với đó, ông Soh cũng lưu ý RCEP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kỹ thuật tiên tiến thông qua số hóa và sản xuất thông minh, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Malaysia phát triển các sản phẩm sáng tạo và cạnh tranh hơn để có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.

Chủ tịch FMM nhấn mạnh vấn đề cấp bách hiện tại là phải ổn định các hoạt động sản xuất để giảm thiểu những thách thức kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra trong khi đa dạng hóa kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực.

RCEP gồm 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Các cuộc đàm phán RCEP bắt đầu được khởi động vào năm 2013 dưới sự dẫn dắt của ông Iman Pambagyo, Tổng cục trưởng Đàm phán thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, và sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN.

Hiệp định được ký ngày 15/11 tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 4, diễn ra trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 12-15/11, do Việt Nam, nước chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục