Người Việt Nam luôn luôn trọng lễ nghĩa, đề cao tổ tông. Bởi vậy, ngày Tết nhà nào cũng có tục lệ bày soạn mâm quả để dâng cúng tổ tiên, ông bà.
Tục Mâm quả ngày Tết là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam; nhắc nhở cháu con luôn biết ơn và tưởng nhớ ông bà tổ tiên, và bộc lộ lòng ước mong một năm mới an khang, may mắn, tốt đẹp.
Mâm ngũ quả bên cành đào, câu đối đỏ, bức tranh Tết, bánh chưng xanh... tạo nên khung cảnh ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến Xuân về. Không biết phong tục này có từ bao giờ, phải chăng vì Việt Nam vốn bốn mùa hoa trái, nhất là vào mùa Xuân hoa quả càng rộ. Hoa quả là lộc của thiên nhiên, đất trời. Lộc Xuân càng quý. Dâng lộc trời, cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu Xuân thật là một tục lệ đẹp đẽ đầy nét nhân văn.
Cứ vào khoảng 28 tháng Chạp âm lịch thì mọi nhà đều cho bày biện một mâm ngũ quả kèm với nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Mâm ngũ quả thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bòng. Nếu không có mâm bòng, có thể bày trên một cái đĩa to, nhưng phải đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính.
Mâm ngũ quả có năm loại. Theo các vị cao niên, am tường về Nho giáo thì xuất xứ của mâm ngũ quả có liên quan đến quan niệm triết lý Khổng giáo của Phương Đông, thế giới được tạo nên từ năm bản nguyên, gọi là “ngũ hành:” Kim-Thủy-Mộc-Hỏa-Thổ, nghĩa là năm yếu tố cấu thành vũ trụ.
Mâm ngũ quả thường gồm năm loại quả mà tên gọi có ý cầu mong một điều gì đó. Trong mâm quả thường hay có quả mãng cầu, tức là cầu chúc cho mọi điều đều như ý. Có quả dừa, vì âm "dừa" tương tự như là "vừa," có nghĩa là không thiếu. Có quả sung, vì gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc. Và quả đu đủ, vì đó có nghĩa mang đến một năm mới được đầy đủ thịnh vượng. Ngoài ra còn có quả xoài, vì âm "xoài" na ná như là "xài," để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.
Còn theo quan niệm của dân gian thì “quả“ (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta chọn năm loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng những sản vật này đựơc kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam bao đời nay.
Đã gọi là ngũ quả thì nhất thiết phải là năm loại quả. Nhưng các vùng, các miền do mùa Xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo... Mỗi thứ quả mang một ý nghĩa: chuối-phật thủ: như bàn tay che chở; bưởi-dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng-quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt...
Ở Thủ Dầu Một, ngày Tết hầu như nhà nào cũng có mâm lễ Long-Lân (Ly)-Quy-Phụng (Phượng). Kết từ hoa quả-tứ linh hoàn toàn mang tính hình tượng như hoa quả kết thành hình, thể hiện lòng thành của con cháu tưởng nhớ gia tiên, cảm tạ ơn trời, ơn đất.
Mâm ngũ quả trong Nam cũng khác so với ngoài Bắc. Trên mâm ngũ quả ở ngoài Bắc thường có bưởi, đào, quýt, chuối, hồng. Có khi người ta thay bưởi bằng quả phật thủ hoặc quả lựu. Mâm ngũ quả trong Nam vẫn cứ giữ nguyên truyền thống là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài.
Một mâm ngũ quả được bày dưới cùng là một nải chuối to già còn xanh, nải chuối đều, hoặc hai nải chuối nhỏ ghép bên nhau như một chiếc bệ cong gồm hai tầng nâng đỡ hoàn toàn hoa trái khác. Ở đây có sự phối hợp màu sắc, mâm ngũ quả đẹp là đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa bệ mâm xanh sẫm, trước đây bày quả phật thủ.
Ngày nay, nhân dân ít trồng phật thủ nên thường thay bằng quả bưởi to, càng to càng đẹp. Bưởi chín vàng, tươi nổi bật trên bệ chuối màu xanh. Những quả chín đỏ đặt xung quanh, những chỗ khuyết dưới đặt xen kẽ quýt vàng và táo màu xanh ngọc, còn bao nhiêu lá xanh để lại ở cuống quả như hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.
Ngày nay, đời sống phong phú hơn, mâm ngũ quả có đến thất, đến thập quả cũng được, vì thêm chùm quất chín tròn như những viên ngọc mầu da cam, thêm vài quả quít dẹt, quả táo, quả nho, quả lê nước ngoài mới nhập về... và tùy theo cách nghĩ và túi tiền của mỗi gia đình.
Mâm ngũ quả làm quang cảnh ngày Tết và không gian cúng thêm phần ấm áp, rực rỡ mà hài hoà. Nó thể hiện sinh động ý tưởng triết lý-tín ngưỡng-thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp để chúng ta nhớ lại ông bà, tổ tiên./.