Mạng xã hội - Công cụ tận dụng sức mua của người dùng thời lạm phát

Tận dụng dữ liệu sẵn có để cập nhật nhu cầu tiêu dùng, xây dựng các chiến lược marketing thích hợp là giải pháp để tận dụng sức mua của người dùng thời lạm phát.
Mạng xã hội - Công cụ tận dụng sức mua của người dùng thời lạm phát ảnh 1Hàng hóa được bày bán trong siêu thị ở Millbrae, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các doanh nghiệp đang chịu “cú giáng kép” từ cả lạm phát và những biện pháp để kiềm chế lạm phát. Cùng lúc đó, sức mua của người tiêu dùng cũng bị hạn chế.

Đứng trước áp lực từ nhiều phía, các doanh nghiệp đang đi tìm đáp án cho câu hỏi làm thế nào để người tiêu dùng sử dụng sức mua của mình bất chấp lạm phát.

Theo ông David Steinberg, Giám đốc điều hành (CEO) công ty marketing Zeta Global có trụ sở ở New York (Mỹ), một bài học cốt lõi được rút ra từ dịch COVID-19 là sự cần thiết phải kịp thời nắm bắt các ý định và nhu cầu thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng.

[Lạm phát - ưu tiên hàng đầu cũng là rủi ro lớn nhất của Mỹ]

Một cách hiệu quả để làm được điều này là tận dụng dữ liệu sẵn có để cập nhật nhu cầu tiêu dùng. Ông Steinberg cho biết các công ty hiện đang có trong tay những công cụ marketing chưa xuất hiện trong thời kỳ lạm phát cao trước đó vào những năm 1980 để giúp họ tập trung vào tính hiệu quả.

Công ty của ông Steinberg, Zeta Global, đã làm việc với khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm tận dụng những “tín hiệu từ dữ liệu” về hành vi của người tiêu dùng, từ đó xây dựng các chiến lược marketing thích hợp trong thời kỳ lạm phát. Trong đó, một công cụ mà ông Steinberg thừa nhận là đặc biệt có giá trị là mạng xã hội.

Theo vị CEO này, mạng xã hội giúp các công ty hiểu được người tiêu dùng đang tìm kiếm gì trên thị trường, và việc gắn hoạt động marketing của một công ty vào mạng xã hội, như những gì mà Zeta đang làm, đem lại hiệu quả rất mạnh mẽ cho các nỗ lực marketing có định hướng.

Ở thời điểm lạm phát cao đang “gặm nhấm” sức mua của người tiêu dùng, tâm lý tiêu dùng chắc chắn sẽ suy giảm, và các doanh nghiệp cần nắm bắt được tâm lý này, nhất là nỗi lo sợ về khả năng kinh tế suy thoái, để hiểu hơn về môi trường kinh doanh, từ đó đưa ra chiến lược marketing phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục