Mâu thuẫn giám sát kiểm toán Mỹ-Trung nhìn từ vụ niêm yết của Didi

Trước sự gia tăng các công ty Trung Quốc trên thị trường chứng khoán, giới chức quản lý của Mỹ luôn mong muốn có được những thông tin rõ ràng và chất lượng về các dữ liệu tài chính công ty Trung Quốc.
Mâu thuẫn giám sát kiểm toán Mỹ-Trung nhìn từ vụ niêm yết của Didi ảnh 1Didi gặp trục trặc sau khi niêm yết trên thị trường Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Vụ việc Didi của Trung Quốc gần đây gặp trục trặc sau khi niêm yết trên thị trường Mỹ dù chưa được giới chức trong nước cho phép, được cho là phần nào làm nóng lại những bất đồng dai dẳng giữa giới chức quản lý thị trường chứng khoán 2 nước trong đánh giá các hoạt động của các hãng phụ trách kiểm toán cho những công ty niêm yết.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, các công ty Trung Quốc giao dịch trên thị trường Mỹ được định giá tổng cộng khoảng 1.800 tỷ USD.

Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc cũng đã gọi được khoảng 76 tỷ USD vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ. Khoảng 37 công ty được niêm yết tại Mỹ chỉ riêng trong năm nay huy động tổng cộng 12,9 tỷ USD từ các nhà đầu tư tại “xứ Cờ hoa.”

Trước sự gia tăng các công ty Trung Quốc trên thị trường chứng khoán, từ nhiều năm qua, giới chức quản lý của Mỹ luôn mong muốn có được những thông tin rõ ràng và chất lượng về các dữ liệu tài chính của các công ty Trung Quốc.

Mỹ ban hành đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002 trong đó yêu cầu Ủy ban giám sát kế toán công ty niêm yết (PCAOB), thuộc quyền giám sát của Ủy ban chứng khoán (SEC) Mỹ, đánh giá hoạt động của các hãng chuyên kiểm toán các công ty niêm yết.

Các nhà quản lý thị trường chứng khoán Mỹ không ít lần phàn nàn vê việc khó tiếp cận các công ty kiểm toán Trung Quốc.

[Mỹ: SEC tăng cường giám sát IPO của các công ty Trung Quốc]

Để tăng quyền hạn cho các cơ quan này giám sát các hoạt động kiểm toán, Washington, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cũng đã ban hành đạo luật trong đó yêu cầu SEC hủy niêm yết với các công ty thuê những hãng kiểm toán mà PCAOB không thể giám sát được.

Các công ty sẽ bị hủy niêm yết nếu PCAOB không thể tiếp cận các dữ liệu liên quan hoạt động tài chính của công ty trong 3 năm liên tiếp.

Còn về phần mình, Bắc Kinh lại muốn các công ty Trung Quốc siết chặt việc công bố thông tin cho các thực thể ở nước ngoài. Luật an ninh dữ liệu thông qua hồi tháng 6 tại Trung Quốc cấm các công ty chia sẻ thông tin cho các lực lượng hành pháp và giới chức nước ngoài khi chưa được phép.

Sau vụ Didi vẫn thực hiện được IPO ở Mỹ dù chưa được giới chức trong nước “bật đèn xanh” nhiều khả năng sẽ khiến giới quản lý chứng khoán trong nước tìm cách sửa đổi luật qua đó cấm một công ty trong nước niêm yết ở nước ngoài với những điều kiện nhất định.
Hai bên cũng đã nhiều lần nỗ lực tìm cách khắc phục những mâu thuẫn này.

Năm 2011, các giới chức quản lý của Trung Quốc và Mỹ đã gặp mặt và thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực kiểm toán. Một năm sau đó, Trung Quốc nhất trí để các quan chức PCAOB tới thăm nước này và thực hiện các chuyến công tác mang tính “quan sát.”

Năm 2013, PCAOB đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với các quan chức Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đến nay PCAOB cho rằng MOU không phát huy hiệu quả trong tháo gỡ những mâu thuẫn giữa 2 bên về vấn đề này, cho rằng phía Trung Quốc chưa hợp tác đầy đủ nên ủy ban này không thể thu thập được những tài liệu cần thiết đúng lúc để thực hiện các công việc của mình. Ngược lại, Ủy ban quản lý Chứng khoán Trung Quốc mới đây khẳng định họ luôn thiện chí hợp tác.

Didi, có trụ sở chính tại Bắc Kinh, đã huy động được khoảng 4,4 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường Mỹ hồi tháng 6/2020.

Tuy nhiên, hoạt động giao dịch cổ phiếu của Didi gián đoạn nghiêm trọng sau khi Bắc Kinh phát lệnh yêu cầu Didi xóa 25 ứng dụng khỏi các cửa hàng trực tuyến do phát hiện những "vi phạm nghiêm trọng" trong cách Didi thu thập và lưu trữ thông tin cá nhân.

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng cho biết sẽ tăng cường giám sát các công ty có cổ phiếu giao dịch trên các sàn chứng khoán nước ngoài, trong đó có các luồng dữ liệu xuyên biên giới và quản lý thông tin mật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục