Tại văn phòng của công ty Menart ở thành phố Dour, tỉnh Hainaut, cách thủ đô Brussels gần 100 km về phía Tây Nam, anh Anthony Roméo tiếp tục hoàn thiện bản thiết kế dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt để lắp đặt tại Việt Nam.
Công việc của anh nằm trong dự án xử lý chất thải làm mùn compost tại Khu Xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai do công ty Menart của Bỉ thực hiện cùng với Công ty CP Môi trường Sonadezi thuộc tỉnh Đồng Nai.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bỉ, anh Anthony cho biết việc thiết kế phải dựa trên nghiên cứu và khảo sát thực tế. Anh đã sang Việt Nam và tới Đồng Nai xem xét điều kiện thực địa tại nơi sẽ xây dựng nhà máy xử lý rác rồi quay trở về Bỉ, thực hiện thiết kế bằng công nghệ 3D dây chuyền sẽ lắp đặt sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.
Một số chi tiết do công ty Menart sản xuất tại chỗ, một số khác được gửi sang Việt Nam cho đối tác làm. Sau đó, thiết bị sẽ được vận chuyển từ Bỉ sang lắp ráp tại nhà máy xử lý rác thải để vận hành.
Trong khi đó, tại phân xưởng sản xuất, các kỹ sư của công ty Menart đang lắp đặt và thử nghiệm thiết bị phân loại rác và ủ phân. Đây là dây chuyền thứ hai mà Menart chuẩn bị bàn giao cho công ty Sonadezi để triển khai ở Việt Nam.
Ông Mot, một kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, cho biết hồi năm ngoái, ông được công ty cử sang Việt Nam và tới Đồng Nai để chuẩn bị cho công tác vận hành thử nghiệm nhà máy xử lý rác thải.
Ông đã ở lại Đồng Nai trong 6 tháng, cùng các đồng nghiệp Việt Nam lắp đặt dây chuyền và đào tạo vận hành chuẩn bị cho việc chạy thử nhà máy vào tháng 11/2020.
Menart là công ty tư nhân được thành lập từ năm 1961 chuyên về thiết kế, xây dựng, lắp đặt trang thiết bị sản xuất phân hữu cơ, xử lý rác thải bảo vệ môi trường. Với đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên trình độ cao, Menart cung cấp thiết bị và giải pháp cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp sạch.
Hiện nay, mạng lưới hoạt động của Menart phủ khắp 60 quốc gia thuộc 4 châu lục gồm châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.
Theo bà Bérengère Menart, Tổng Giám đốc Menart, công ty đã làm việc với Việt Nam từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước trong lĩnh vực môi trường.
Tại Việt Nam, Menart cung cấp thiết bị cho các nhà máy xử lý rác tại các tỉnh Đồng Nai, Sóc Trăng, Kon Tum, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hà Nam nhằm biến rác thải thành mùn compost phục vụ nông nghiệp.
[Hà Nội nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ Tây]
Nhà máy xử lý chất thải làm mùn compost tại Khu Xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai do Công ty CP Môi trường Sonadezi làm chủ đầu tư và Công ty Menart cũng cấp thiết bị.
Nhà máy có quy mô 7,1 ha đã được đưa vào vận hành thử nghiệm hồi cuối năm ngoái với công suất 450 tấn/ngày, vận hành 8 giờ/ngày.
Quy trình vận hành gồm 4 công đoạn chính: phân loại rác thải, ủ hiếu khí, ủ chín, tạo mùn tinh chế. Khoảng 80% rác hữu cơ tiếp nhận sẽ được xử lý làm mùn compost; khoảng 15% chất thải trơ sau khi đốt đem chôn lấp tại các hố chôn hợp vệ sinh; khoảng 5% túi nylon được thu hồi tái chế, tái sử dụng.
Hiện tại, Menart tiếp tục hoàn thành các thiết bị phân loại rác, máy ủ, máy quay, thiết bị sản xuất phân compost để bàn giao cho phía Sonadezi nhằm phục vụ việc mở rộng hoạt động của nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân.
Bà Bérengère Menart rất tin tưởng vào triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam. Bà nói: "Người dân Việt Nam cùng chính quyền địa phương sẽ nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải chưa qua xử lý ra môi trường và như vậy góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống."
Bà khẳng định và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác trong chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp.
Với những dự án triển khai tại Việt Nam, công ty Menart đang góp phần cùng chính quyền địa phương giải quyết việc quản lý và xử lý rác thải, một vấn đề nóng hiện nay, do quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh./.