Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, đã đồng ý trả số tiền 725 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể kéo dài liên quan tới thông tin cá nhân của người dùng.
Lá đơn kiện cáo buộc Meta cho phép công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica và các bên thứ ba khác truy cập thông tin cá nhân của người dùng, đồng thời khiến người dùng hiểu lầm về các hoạt động bảo mật của công ty.
Thỏa thuận dàn xếp nêu trên sẽ chấm dứt cuộc chiến pháp lý bắt đầu từ bốn năm trước, ngay sau khi Meta tiết lộ rằng thông tin cá nhân của khoảng 87 triệu người dùng Facebook đã rơi vào tay Cambridge Analytica. Công ty phân tích dữ liệu này nổi tiếng vì hoạt động trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vụ rò rỉ dữ liệu đã gây ra một vụ bê bối quốc tế dữ dội nhằm vào Facebook. Nhiều cơ quan quản lý ở hàng loạt quốc gia đã vào cuộc để tìm hiểu xem mạng xã hội này có phạm luật hay không.
Đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Facebook là Mark Zuckerberg đã phải xuất hiện trước một phiên điều trần kết hợp của Ủy ban Tư pháp và Thương mại Thượng viện vào ngày 10/4/2018 ở Washington, DC. Trước bê bối này, Zuckerberg từng cân nhắc việc coi Cambridge Analytica là một đối tượng cần quan tâm hồi năm 2017, chỉ vài tháng trước khi vụ rò rỉ dữ liệu được tiết lộ
Những người góp mặt trong lá đơn kiện tập thể nhằm vào Facebook đã gọi thỏa thuận mới là “sự khắc phục lớn nhất từng đạt được trong một vụ kiện tập thể về quyền riêng tư dữ liệu, đồng thời là số tiền cao nhất mà Facebook từng trả để giải quyết một vụ kiện tập thể."
Họ ước tính rằng khoảng 250 đến 280 triệu người có thể đủ điều kiện để nhận các khoản thanh toán bồi thường, như một phần của thỏa thuận giải quyết vụ kiện. Thỏa thuận dàn xếp mới nhất vẫn còn phải chờ sự phê duyệt từ một thẩm phán Mỹ. Nhân vật này sẽ đưa ra phán quyết về vụ việc trong tháng 3 năm sau.
[Tranh cãi giữa chính phủ Canada và Facebook ngày một "nóng"]
Người phát ngôn của Meta, Dina Luce, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi theo đuổi một thỏa thuận dàn xếp (với những người khởi kiện) vì điều này mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng và các cổ đông của chúng tôi. Trong ba năm qua, chúng tôi đã cải tiến cách tiếp cận về quyền riêng tư và triển khai một chương trình bảo mật toàn diện. Chúng tôi mong muốn tiếp tục xây dựng các dịch vụ mà mọi người yêu thích và tin tưởng rằng quyền riêng tư sẽ được đặt lên hàng đầu.”
Trong khuôn khổ thỏa thuận bồi thường kể trên, Meta đã không thừa nhận công ty có hành vi sai trái nào. Trong kiến nghị tòa án phê chuẩn thỏa thuận dàn xếp, những người khởi kiện cũng chỉ ra những thay đổi mà Facebook đã thực hiện sau vụ bê bối, bao gồm hạn chế quyền truy cập của bên thứ ba vào dữ liệu người dùng và cải thiện thông tin liên lạc với người dùng về cách dữ liệu của họ được thu thập, chia sẻ.
Vụ bê bối liên quan tới Cambridge Analytica bắt đầu sau khi Aleksandr Kogan, một nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Cambridge, phát triển một ứng dụng được gọi là thisisyourdigitallife. Ứng dụng này về cơ bản là một khảo sát có nội dung kiểm tra tính cách con người, nhưng đồng thời cũng thu thập dữ liệu cá nhân của người tham gia.
Kogan đã cung cấp ứng dụng cho Cambridge Analytica. Công ty này sau đó đã sắp xếp một quy trình thu gom dữ liệu phục vụ nghiên cứu, trong đó hàng trăm nghìn người dùng Facebook sẽ đồng ý hoàn thành một cuộc khảo sát để nhận về một khoản thanh toán. Tuy nhiên, Facebook đã cho phép ứng dụng này không chỉ thu thập thông tin cá nhân từ người trả lời khảo sát, mà còn cả từ bạn bè trên Facebook của họ. Bằng cách này, Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu từ hàng triệu người dùng Facebook.
Khi bị phát hiện vào năm 2018, vụ bê bối đã gây ra sự phản đối dữ dội trên toàn cầu, dẫn đến các phiên điều trần, một chuyến đi xin lỗi của Zuckerberg và nhiều thay đổi trên mạng xã hội này. Năm 2019, Facebook đã đồng ý thực hiện thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, do vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Công ty cũng thực hiện thỏa thuận trị giá 100 triệu USD với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ để xử lý cáo buộc họ đã đánh lừa các nhà đầu tư về những rủi ro liên quan tới vấn đề lạm dụng dữ liệu người dùng./.