Mi-171 - Phát minh thành công nhất của trường phái trực thăng Nga

Máy bay trực thăng đa năng Mi-171 đã nhận được các chứng chỉ an toàn bay của các hãng đánh giá hàng đầu của Nga và thế giới.
Mi-171 - Phát minh thành công nhất của trường phái trực thăng Nga ảnh 1Máy bay trực thăng Mi-171 .(Nguồn: alrosaair.com)

Trong vụ rơi máy bay thảm khốc tại Thạch Thất, Hà Nội ngày 7/7, loại máy bay gặp nạn là chiếc trực thăng Mi-171 do Nga sản xuất. 

Hiện nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ, nhưng theo các chuyên gia hàng không thì thông tin máy bay gặp nạn đã cũ là không chính xác, bởi trực thăng Mi-171 là một trong những phát minh thành công nhất của trường phái trực thăng Nga, hiện vẫn đang được sản xuất.

Chiếc gặp nạn tại Thạch Thất thuộc lô xuất xưởng năm 2005 theo hợp đồng ký năm 2004 giữa Nga và Việt Nam, trong khi thời hạn phục vụ của Mi-171 là 30 năm.

Máy bay trực thăng đa năng Mi-171 là biến thể xuất khẩu của dòng máy bay trực thăng vận tải dân sự Mi-8AMT (sử dụng ở Nga). Đây là phiên bản nâng cấp hiện đại hóa của Mi-8/Mi-17 với động cơ TV3-117 và hộp số VR-14.

Mi-171 bắt đầu được sản xuất hàng loạt tại Nhà máy hàng không Ulan-Ude (UUAP) từ năm 1991. Cho đến nay, nhà máy này vẫn tiếp tục nhận sản xuất những đơn hàng mới cho các đối tác nước ngoài.

Trong số các khách hàng lớn nhất của nhà máy Ulan-Ude (theo số liệu năm 2012) có thể kể đến là Ấn Độ (1,3 tỷ USD) và Trung Quốc (hơn 600 triệu USD).

Biến thể Mi-171 tấn công được tiếp nhận vào trang bị của quân đội Nga từ năm 2009. Hiện nay một số nước Nam Mỹ đang đàm phán mua loại trực thăng này.

Dòng máy bay Mi-171 đã nhận được các chứng chỉ an toàn bay của các hãng đánh giá hàng đầu của Nga và thế giới. Năm 2005, Brazil đã cấp giấy chứng nhận FAR-29 cho dòng máy bay Mi-171 của Nga.

Mi-171 được thiết kế để thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ như vận chuyển hành khách và hàng hóa, vận chuyển tải lớn bên ngoài, tìm kiếm cứu nạn, sơ tán y tế.

Ngoài ra, trên nền tảng Mi-171, nhà sản xuất Nga cũng đã tiến hành xuất xưởng các biến thể đặc biệt, gồm vận tải hàng hóa, hành khách, chuyên chở khách VIP, chữa cháy, cứu thương và cứu hộ.

Dòng Mi-171 chở khách có thể vận chuyển được 26 hành khách trong điều kiện tiện nghi, hoặc 37 lính dù với trang bị đầy đủ. Với nhiệm vụ cứu hộ, Mi-171 có thể mang được 12 cáng thương và 1 nhân viên y tế.

Để đáp ứng nhu cầu cá nhân và mong muốn của khách hàng, nhà máy không ngừng thực hiện các sửa đổi và hiện đại hóa máy bay trực thăng. Mục tiêu chính của hiện đại hóa là kéo dài tuổi thọ của máy móc, cũng như cải thiện tính hiệu quả. Hiện đại hóa các máy bay trực thăng cũng được thực hiện đối với các yêu cầu của từng khách hàng cụ thể.

Mi-171 - Phát minh thành công nhất của trường phái trực thăng Nga ảnh 2Trực thăng Mi_171 tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích tại rừng U Minh (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, UUAP đang tiến hành sản xuất hàng loạt máy bay trực thăng Mi-171 cho quân đội Nga và các khách hàng nước ngoài. Dòng máy bay trực thăng này đang được sử dụng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, với 100 triệu giờ bay.

Nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á, đã quyết định dừng thương thảo các hợp đồng với các nhà cung cấp phương Tây để mua loại máy bay Mi-171 của Nga.

Truyền thông Nga cho biết, Việt Nam tiếp nhận lô bốn chiếc thăng đa năng hiện đại Mi-171 của Nga vào cuối năm 2005. Hợp đồng này được ký vào năm 2004.

Theo quy định của Nga, thời hạn phục vụ trung bình đối với dòng trực thăng Mi-171 được sản xuất vào năm 1991 là 30 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục