Miền Trung, Tây Nguyên cần liên kết để khai thác tiềm năng du lịch

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cần tạo mối liên kết để khai thác tiềm năng phát triển du lịch.
Miền Trung, Tây Nguyên cần liên kết để khai thác tiềm năng du lịch ảnh 1(Ảnh minh họa: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)

Tại buổi làm việc với đại diện các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để bàn về biện pháp phát triển du lịch, diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận, chiều 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cần tạo mối liên kết để khai thác tiềm năng phát triển du lịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn, nhưng hiện nay thực tế chưa phát huy hết so với nhu cầu phát triển. Ngoài những nguyên nhân khách quan như suy thoái kinh tế, chưa đầu tư được hạ tầng cơ sở, nhân lực còn yếu thì nguyên nhân chủ quan vẫn là việc chúng ta chưa thật sự coi đầu tư vào du lịch là trọng điểm, thậm chí có nhiều nơi "tự mình làm khó mình" khi phát triển không theo lộ trình, phát triển “nóng”, chạy theo nhu cầu và lợi nhuận trước mắt.

Về vấn đề liên kết du lịch vùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng du lịch là ngành kinh tế đặc thù, cùng với con người thì địa lý, khí hậu là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, muốn phát huy tối đa nguồn lực, lợi thế của địa phương, cần liên kết với các tỉnh, vùng khác để phát triển, tạo ra những sản phẩm liên vùng đa dạng, hấp dẫn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị đầu tàu, là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về du lịch, vì vậy ngoài quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế chung của Chính phủ, Bộ phải có chiến lược riêng, trọng điểm và dài hạn cho ngành du lịch. Chỉ có như thế mới có thể phát huy hết thế mạnh của từng tỉnh, từng vùng, tránh đầu tư chung chung, dàn trải, dẫn đến kém hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh hiện nay vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam chưa lớn, vì vậy trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch để tạo ra tiếng nói chung, làm cho vai trò của Hiệp hội mạnh lên, góp phần tạo động lực để các tỉnh, thành phố có thêm điều kiện phát triển du lịch.

Với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đây là khu vực có nhiều thế mạnh về du lịch như địa lý, con người và sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch truyền thống. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các địa phương trong khu vực này vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng vốn có.

Trong khu vực hiện vẫn tồn tại sự khác biệt khá lớn giữa các tỉnh, thành phố về mức độ phát triển kinh tế du lịch. Ngoài một số địa phương như Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng là các địa bàn du lịch trọng điểm, thì nhiều địa phương có hoạt động du lịch chưa thực sự phát triển như Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Gia Lai…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố đã đề cập những thế mạnh và hạn chế trong phát triển du lịch. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến phát triển du lịch các tỉnh miền núi.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế đặt ra vấn đề liên kết như thế nào cho đúng, hiệu quả. Nếu để cả 8 tỉnh miền Trung cùng liên kết với Tây Nguyên sẽ không hiệu quả. Do đó nên chọn ra những tỉnh có thế mạnh du lịch, sản phẩm tương đồng để liên kết với nhau, từ đó sẽ tạo kết quả tốt hơn.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, ngành du lịch Việt Nam mới thực sự phát triển từ năm 2009, đến nay đã có những thế mạnh mà không phải nước nào trong khu vực cũng có được. Theo thống kê, năm 2013 ngành du lịch Việt Nam đón và phục vụ 7,7 triệu lượt quốc tế và gần 33 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng doanh thu 200.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng khách quốc tế đạt gần 4,3 triệu lượt, nội địa đạt 23,4 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 125.000 tỷ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2013)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục