Mít - Loại quả "kỳ diệu" mang đến bữa ăn cho cả gia đình

Theo các chuyên gia sinh học, một quả mít có thể cung cấp đủ nguyên liệu cho cả một bữa ăn của gia đình bạn. Và nếu bạn ăn 10-12 múi mít, bạn không cần phải ăn thêm gì nữa trong suốt nửa ngày.
Mít - Loại quả "kỳ diệu" mang đến bữa ăn cho cả gia đình ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: techinsider.io)

Nhìn bên ngoài, quả mít trông giống như một thứ trái cây từ kỷ Jura với mùi thơm nhưng hơi nồng. Nhưng thực tế, mít đang được tôn vinh như một loại quả “kỳ diệu” có thể giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Theo trang Techinsider.io, mít là loại quả mọc từ cây lớn nhất thế giới. một quả mít có thể nặng từ 4,5-45kg và chứa hàng trăm hạt giàu đạm, kali, canxi và sắt - những dưỡng chất quan trọng để phát triển cơ thể.

Loại quả này có nguồn gốc từ Nam Á và Đông Nam Á. Ở Mỹ, rất khó tìm được một quả mít, trừ khi đến khu phố Tàu Chinatown. Tại đây, nhiều sạp hoa quả bày bán mít với giá 5 USD/kg.

Nyree Zerega, một nhà thực vật học ở Vườn Thực vật Chicago là người đã nghiên cứu về đa dạng gen của cây mít ở Bangladesh, cho biết" “Ở Bangladesh, mít có mặt ở khắp mọi nơi, và được xem như là cây trồng chủ lực quan trọng thứ hai sau xoài. Nếu bạn có đất vườn để trồng trọt ở Bangladesh, bạn nhất định sẽ phải trồng một cây mít vì cả quả mít và gỗ mít đều có giá trị.”

Không chỉ dùng làm thực phẩm, mít còn có nhiều công dụng như lá mít có thể dùng làm thức ăn cho dê và nhiều loại gia súc khác; vỏ cây mít có màu cam, thường được dùng làm màu nhuộm áo truyền thống cho các nhà sư; nhựa cây mít có thể dùng như keo dán; gỗ cây mít có chất lượng khá tốt, có thể đem bán hay sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Mặc dù rất phổ biến ở Bangladesh, mít lại không được ưa chuộng ở Ấn Độ, dù quốc gia này được cho là quê hương của cây mít, cũng như là nơi mà mít có thể cung cấp nguồn thực phẩm cho hàng triệu người đang trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng. Vì thế cây mít, với sản lượng lên tới 150 quả cho hai mùa thu hoạch, đóng vai trò rất quan trọng.

Một quả mít có thể chứa hàng trăm múi mít nhỏ màu vàng, bên trong từng múi là hạt mít giàu chất dinh dưỡng. Múi mít cũng chứa nhiều vitamin C, còn hạt mít giàu đạm, kali, canxi và sắt. Khoảng 0,1kg mít cung cấp khoảng 95 calorie cho cơ thể.

“Quả mít là một phép màu, nó cung cấp nhiều dưỡng chất và calorie. Nếu bạn ăn 10-12 múi mít, bạn không cần phải ăn thêm gì nữa trong suốt nửa ngày,” Shyamal Reddy, một nhà nghiên cứu công nghệ sinh học thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp ở Bangalore, Ấn Độ chia sẻ với tờ The Guardian.

Theo Zerega, một quả mít có thể cung cấp đủ nguyên liệu cho cả một bữa ăn của gia đình bạn. Không chỉ vì kích thước to lớn của mình, mà còn vì con người đã tìm ra nhiều cách để chế biến quả mít. Cách đơn giản nhất là ăn tươi khi mít đã chín, và các múi mít bên trong trở nên mềm mại, thơm ngon và đậm mùi hơn. Mít cũng có thể được ăn khi chưa chín, khi đó nó cho vị giống như khoai tây.

Ở Bangladesh và nhiều nơi khác tại Nam Á, mít được chế biến theo hàng chục cách khác nhau. Càri mít, mít xào, nước ép múi mít, kem mít, thậm chí bánh mít nướng làm bằng bột lấy từ hạt mít, là một số món ăn từ mít nổi tiếng. Cần lưu ý rằng mít chỉ có thể giữ chất lượng trong vài tuần sau khi được hái xuống, vì thế cách tốt nhất để trữ mít trong nhà là cất những múi mít đã bóc vào trong lọ kín, hoặc sấy khô chúng và bảo quản.

Mít - Loại quả "kỳ diệu" mang đến bữa ăn cho cả gia đình ảnh 2Các món ăn được chế biến từ mít. (Nguồn: techinsider.io)

Mặc dù vẫn chưa được phổ biến, nhưng ở Mỹ, mít đang thu hút sự chú ý của người ăn chay và các cộng đồng ăn chay khắp đất nước do hương vì của mít xanh sau khi chế biến cho vị giống như thịt lợn.

Nhiều hộ gia đình ở Việt Nam, Bangladesh, Malaysia và những nước khác thuộc vùng Nam Á và Đông Nam Á đều đã phát triển các món ăn từ mít cho các bữa cơm gia đình, tuy nhiên Ấn Độ vẫn đứng ngoài cuộc chơi này.

Báo cáo cho thấy khoảng 75% sản lượng mít ở Ấn Độ phải đem đổ bỏ vì trái cây bị kém chất lượng, do không được tiêu thụ ngay trong vài tuần đầu tiên sau khi hái xuống. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là vì quả mít trong suy nghĩ của người dân là không tốt.

“Trong lịch sử, mít là thứ trái cây của người nghèo. Nó không phải loại quả nhiều người sẽ nghĩ phải mua, vì nó đang mọc ở mọi nơi thuộc miền Trung Ấn Độ,” Zerega chia sẻ. Rất may, không giống với sầu riêng, mít được nhiều người ưa chuộng và tìm cách gây dựng sự hiểu biết cho mọi người về giá trị dinh dưỡng của chúng.

“Các quốc gia như Việt Nam, Phillipnes và Malaysia đều kiếm được tiền từ quả mít. Sri Lanka còn tự hào gọi mít là “cây gạo.” Nhưng sự thực là ở nơi xuất phát của cây mít, chúng ta vẫn là chưa có đủ kinh nghiệm để hiểu được tầm quan trọng của nó.

Padre ước lượng rằng nông dân Ấn Độ có thể kiếm được khoảng 151 USD từ mỗi cây mít nhờ có thể dùng mọi bộ phận của mít làm nguyên liệu chế biến thực phẩm và dùng cho các mục đích khác. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, mỗi cây mít cho thu nhập nhiều hơn một nửa thu nhập trung bình hàng tháng của một công nhân Ấn Độ (khoảng 295 USD). Hơn nữa, cây mít dễ trồng và ít tốn kém chi phí hơn các loại cây trồng khác như lúa mì hay ngô vì chúng không cần phải được trồng lại mỗi năm.

“Miễn là được trồng trong điều kiện khí hậu thích hợp, cây mít rất dễ trồng,” Zerega chia sẻ với trang tin Business Insider. Tuy nhiên, việc người Ấn Độ phát triển kinh doanh buôn bán mít như Việt Nam và các nước khác là một công tác khó khăn, ít nhất là lúc đầu. Vì thế, người dân Ấn Độ nên tìm cách tập trung vào việc trồng và sử lý sản phẩm từ mít trước.

Zerega cho hay việc thu hoạch và xử lý mít chín hiện nay rất tốn công sức và có ít sự hỗ trợ của máy móc. Mặc dù việc trồng trọt và xuất khẩu mít có thể trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Ấn Độ trong tương lai, mít cũng cần được xem như một nguồn thực phẩm quý giá trong nước.

“Nhiều cây trồng không được tận dụng hết ưu tế như mít có hàng chục đặc điểm tiềm năng sản xuất thực phẩm được địa phương hóa và bền vững hơn, để không còn dựa vào hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác. Phát triển thị trường địa phương là một điểm quan trọng cần lưu ý, nhưng đến cuối cùng, mít cũng có thể mở ra nhiều cơ hội để trở thành một hàng hóa xuất khẩu có giá trị,” Zerega chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục