Mô hình BQL di tích: Chuyện “trăm hoa đua sắc”

Một vấn đề nổi cộm của việc quản lý di tích là chưa thống nhất quản lý về mặt hành chính với quản lý về mặt chuyên môn, dẫn tới chồng chéo về chức năng.
Mô hình BQL di tích: Chuyện “trăm hoa đua sắc” ảnh 1Chùa Một Cột-di tích nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một trong những vấn đề nổi cộm của việc quản lý di tích hiện nay là chưa xây dựng được một mô hình ban quản lý di tích chung, cũng như chưa thống nhất được việc quản lý về mặt hành chính với quản lý về mặt chuyên môn; dẫn tới việc chồng chéo về chức năng. 

Mỗi nơi một kiểu

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên: "Hiện nay, mô hình ban quản lý di tích còn nhiều bất cập. Bộ máy quản lý di tích chưa được củng cố, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ."

Mỗi địa phương áp dụng một mô hình riêng, dẫn đến việc chồng chéo về chức năng, chưa rõ ràng trong phân cấp và rất khó quy trách nhiệm khi sai phạm xảy ra.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có trên 5.000 di tích. Các di tích này đa dạng về chủng loại, phong phú về loại hình, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia.

Vì vậy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có quyết định phân cấp quản lý đối với di tích giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội được giao quản lý 10 di tích; Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa-Thành cổ Hà Nội được giao quản lý Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long và di tích Cổ Loa; số còn lại do các quận, huyện, thị xã quản lý.

"Tuy nhiên, các ban quản lý di tích hoạt động tương đối độc lập nên ít có liên hệ chuyên môn, việc cập nhật, báo cáo tình hình chưa thường xuyên," ông Dương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho hay.

Không giống ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Vân-phòng Quản lý di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh) cho biết, mô hình ban quản lý di tích ở Hà Tĩnh hiện nay được phân chia theo ba cấp: Ban quản lý trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, Ban quản lý trực thuộc ủy ban nhân dân huyện và Ban quản lý trực thuộc ủy ban nhân dân xã. Đặc biệt, các cán bộ quản lý di tích thuộc ban quản lý cấp xã đều làm việc với vai trò kiêm nhiệm và không có chế độ riêng. “Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng việc quản lý, bảo tồn các di tích, di sản văn hóa,” bà Vân cho hay.

Tại Bạc Liêu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Văn Tắc cho biết, Bảo tàng tỉnh là cơ quan tham mưu cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong vấn đề quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích cấp quốc gia (đặc biệt là di tích cách mạng) trên địa bàn tỉnh.

Đối với các di tích cấp tỉnh, ủy ban nhân dân tỉnh giao cho ủy ban nhân dân huyện/thành phố nơi có di tích quản lý…

Thực trạng trên dẫn tới việc "chưa thống nhất được việc quản lý về mặt hành chính, địa bàn với quản lý về mặt chuyên môn. Việc phân cấp quản lý về mặt hành chính, ban quản lý di tích trực thuộc các cấp tỉnh, huyện… khiến cho việc can thiệp về mặt chuyên môn trở nên rất khó khăn" như nhận định của Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia Lưu Trần Tiêu.

Mô hình BQL di tích: Chuyện “trăm hoa đua sắc” ảnh 2Ngôi nhà cổ ở Hội An lung linh trong ánh đèn lồng (Ảnh: TTXVN)

“Thuốc đắng mới mong dã tật”

Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Lưu Trần Tiêu kiến nghị: “Vấn đề cấp thiết cần làm bây giờ là phải thống nhất lực lượng quản lý bằng việc: Kết hợp cả hai hình thức quản lý (quản lý về mặt hành chính và quản lý về mặt chuyên môn). Trong các ban quản lý lý cần có cả đội ngũ giám sát quản lý về mặt nhà nước và ban tư vấn chuyên môn.”

Để làm được điều đó, vị Chủ tịch Hội đồng Quốc gia cho rằng, trước hết, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các tỉnh cần thành lập các hội đồng tư vấn khoa học, tránh những việc làm tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, di sản.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Đặng Văn Bài bày tỏ: “Tôi đồng tình với việc không thể để người dân giữ di tích không công nhưng quan điểm của tôi là: Không thể khoán trắng cho người dân mà cần giữ và khẳng định vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đặc biệt là đối với các di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia.”

“Hơn nữa, nếu không có sự quản lý và định hướng nhất quán, việc bảo tồn di tích sẽ diễn ra theo hướng tự phát và rất dễ dẫn đến những sai sót. Những vụ xâm hại di tích thời gian qua là bài học đau xót cho vấn đề này.” ông Bài bày tỏ.

Đề cập tới phương diện trên, phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học đưa ra ví dụ: “Sự tràn lan của sư tử đá mang hình thù của sư tử đá Trung Quốc ở khắp các di tích (thậm chí là cả các cơ quan, công sở…) thể hiện sự lai căng văn hóa và thiếu hiểu biết của người sử dụng.”

Xét từ góc độ chuyên môn, ông Tín cho hay: Sư tử đá ở Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, là một linh vật biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo với tạo hình mềm mại, dáng vẻ gần gũi nhưng vẫn toát lên sức mạnh phi phàm. Trong khi đó, phần lớn sư tử đá ở Trung Quốc có tạo hình dữ tợn, phô bày nanh vuốt với hàm ý đe dọa, chủ yếu dùng làm linh vật canh mộ.

Thế nhưng, “vì thiếu quản lý, nên khi tiến hành trùng tu, sửa chữa, các đơn vị thi công chủ yếu làm theo thị hiếu của người dân (thích di tích phải xây hoành tráng, có sư tử đá cỡ lớn…) để thu hút du khách mà bỏ qua những khuyến nghị của giới chuyên môn,” ông Tín bày tỏ sự quan ngại.

Cùng với đó, ông Đặng Văn Bài cho rằng, Việt Nam nên tham khảo, học hỏi mô hình mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra.

Ông giải thích, tổ chức này đặt ra hai yêu cầu cơ bản đối với một di tích muốn được công nhận là di sản văn hóa thế giới: Thứ nhất, di tích đó phải được nhất thể hóa (thống nhất được việc quản lý). Thứ hai, quốc gia sở tại phải có kế hoạch quản lý đối với di tích đó (phải có quy hoạch tổng thể, xác định những nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, chân xác của di sản; đề ra được chương trình hành động để ngăn chặn, triệt tiêu những tác động xấu có thể xảy ra đối với di sản và có báo cáo hàng năm...)."Nếu báo cáo này đến lần thứ năm vẫn không đạt thì họ sẽ loại di sản đó khỏi danh sách di sản văn hóa thế giới," ông Bài cho biết.

Từ đó, ông Đặng Văn Bài kiến nghị: Ở Việt Nam, những di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt nhưng nếu không đáp ứng được các yêu cầu về kế hoạch quản lý, bảo tồn thì nên chuyển thành Di tích cấp quốc gia, lấy đó làm bài học để nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội. “Thuốc đắng mới mong dã tật,” ông Bài bày tỏ.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, trong năm 2013, các mô hình quản lý di tích ở các địa phương vẫn sẽ giữ nguyên nhưng phải đánh giá để bổ sung, hoàn thiện. Những mô hình quản lý hiệu quả sẽ được nghiên cứu để nhân rộng. Dự kiến, việc kiểm kê di tích sẽ được hoàn thành vào năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục