Bên cạnh những bệnh không lây nhiễm, các bệnh tim mạch liên quan đến nhiễm trùng vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định, khiến cho mô hình bệnh tim mạch ở Việt Nam khá đa dạng và phức tạp.
Tại Hội nghị Tim mạch học Việt Nam diễn ra ngày 8-9/10, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam, Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam cho hay bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong và mắc bệnh hàng đầu ở Việt Nam và vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Trong số đó, các bệnh tim mạch không lây nhiễm liên quan đến sự thay đổi đời sống xã hội theo hướng công nghiệp hoá và đô thị hoá đang gia tăng mạnh. Chính vì vậy, các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch tại Việt Nam cũng tăng nhanh chóng.
[Thực trạng người Việt trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng cao]
Theo Nghiên cứu của Viện tim mạch Việt Nam, từ những năm 1980 đến năm 2017, số bệnh nhân bị tăng huyết áp đã gia tăng với mức ước tính trung bình gần 1% mỗi năm (năm 1980 là khoảng 10%, con số thống kê mới nhất cho thấy có trên 40% người trên 25 tuổi có tăng huyết áp).
Điều đáng lo ngại là số người tăng huyết áp mà không biết mình bị tăng huyết áp chiếm tỷ lệ tới 50% và số người tăng huyết áp được kiểm soát (điều trị, thay đổi lối sống) tốt huyết áp cũng chỉ đạt khoảng 1/3.
“Mặc dù thực tế đã được cải thiện hơn về số người được phát hiện tăng huyết áp cũng như được điều trị so với trước đây, tuy nhiên con số này vẫn rất thếp và đáng lo ngại. Thực trạng này đã là rất nguy cấp và báo động, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các ban ngành, của ngành y tế và mỗi người dân trong công tác chăm sóc sức khoẻ phải hành động gấp, hành động liên tục,” Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Do vậy, việc phòng bệnh liên tục, ngành y tế cần có các chương trình tổng thể với sự phối hợp dự phòng bệnh tim mạch ở cấp độ cá thể và cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay bệnh tim mạch đã và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm bệnh tim mạch đã cướp đi sinh mạng của gần 19 triệu người trên toàn thế giới, chiếm 44% ca tử vong do bệnh không lây nhiễm và tương ứng với 31% tổng ca tử vong toàn cầu. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong gia tăng ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp.
Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cứ 100 người chết có 70 ca do bệnh không lây nhiễm, trong đó có 31% bệnh do tim mạch.
"Các yếu tố như hút thuốc lá, bia, rượu, ăn uống, ít vận động thể lực… đều là nguy cơ làm gia tăng bệnh lý tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu và đái tháo đường tuýp 2 cùng 40% bệnh nhân ung thư có thể phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực nhờ thay đổi lối sống," Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trên thế giới, những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh không lây nhiễm vẫn đang có tỷ lệ cao và ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia. Hầu hết những người mắc bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, những năm qua Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan để Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chiến dịch hoàn thành bệnh không lây nhiễm, chương trình sức khoẻ Việt Nam. Bộ Y tế cũng đang triển khai chương trình phát triển y tế cơ sở để quản lý tốt bệnh không lây nhiễm và ứng phó với bệnh tim mạch, xây dựng đề án quản lý điều trị, dự phòng bệnh không lây nhiễm...
Biểu đồ về những nguyên nhân gây ra các ca tử vong tại Việt Nam:
Các chuyên gia khuyến cáo, người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.
Để phòng bệnh tim mạch, Hội Tim mạch Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thực của mỗi người dân trong việc thực hiện lối sống khỏe mạnh bao gồm ăn uống, luyện tập, tránh thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều… cho đến khám sức khỏe định kỳ.
Đặc biệt, các đơn vị y tế đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết được các chỉ số về cân nặng, huyết áp, đường huyết, mỡ máu… để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch hoặc yếu tố nguy cơ đi kèm khác nhằm có phương án điều trị kịp thời, tránh các biến cố tim mạch cũng như tránh tái phát./.