Mở rộng diện tích và đối tượng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Mở rộng diện tích và đối tượng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1Nông dân hợp tác xã Long Trì (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Long An sẽ mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện, cụ thể cây lúa 60.200ha; thanh long 5.700ha; cây chanh 3.000ha; duy trì 2.000 rau ứng dụng công nghệ cao; trong chăn nuôi thực hiện 100ha tôm ứng dụng công nghệ cao và con bò thịt.

Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, các sở ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai, duy trì và nhân rộng mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả trong sản xuất theo hướng duy trì, nâng cao chất lượng các nội dung đã thực hiện giai đoạn 2016-2020; trong đó, chú trọng các nội dung sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ; mở rộng thêm các đối tượng tiềm năng khác của tỉnh, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm an toàn; xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị trên sản phẩm lúa, rau, thanh long, chanh, tôm, bò thịt.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất; tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh…

Giai đoạn 2017-2020, Long An thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 3 cây, 1 con gồm cây lúa, thanh long, rau màu và chăn nuôi bò thịt. Trong số đó, đã có 22.300ha lúa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đạt 111,6% kế hoạch đề ra.

Các diện tích lúa được ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến, sử dụng giống chất lượng cao, ứng dụng bón lót phân hữu cơ sinh học hoặc vi sinh, sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh phòng trừ rầy nâu; áp dụng quy trình 1 phải 6 giảm…

[Long An ứng dụng công nghệ cao tạo bước đột phá cho nông nghiệp]

Đối với rau màu, Long An có gần 2.100 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, đạt 104,6% kế hoạch, với các nội dung vùng sản xuất sử dụng giống sạch bệnh, năng suất cao và chất lượng tốt; sử dụng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ môi trường, giữ cân bằng hệ sinh thái; ứng dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm; sản xuất trong nhà lưới để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và dịch hại, đạt tiêu chuẩn rau an toàn tiến tới đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Đối với cây thanh long, toàn tỉnh có gần 2.100 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Theo đó, xây dựng mô hình điểm diện tích 841,88 ha, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, có kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm...

Riêng với việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt của Long An vẫn còn nhiều khó khăn so với lúa, rau, thanh long, nhất là trong giai đoạn đầu do tập quán chăn nuôi của người dân, chuồng trại chăn nuôi, trình độ nhiều cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa có hợp tác xã, tổ hợp tác...

Thông qua việc thực hiện đề án, Long An đã xây dựng được 2 hợp tác xã điểm và 16 tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt; xây dựng 10 mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt tại các huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 181 con bò cái sinh sản, 109 máy băm cỏ, máy cắt cỏ và máy trộn TMR; hỗ trợ gieo tinh nhân tạo cho 7.190 con bò… Ngành chức năng đã hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho 6 hợp tác xã, tổ hợp tác; 6 cơ sở giết mổ bò trên địa bàn huyện Đức Hòa đã được tập huấn và cấp giấy chứng nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Ngân sách tỉnh bố trí gần 20 tỷ đồng xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như xây dựng đường sá, trạm bơm, đường điện...

Các cấp, ngành hỗ trợ xây dựng 16 hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghiệp và hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án; tập trung xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục