Mở rộng hợp tác với nước ngoài về điện ảnh

Dự thảo sửa đổi Luật điện ảnh lần này quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hợp tác với doanh nghiệp trong nước trên cả 3 lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh.

Dự thảo sửa đổi Luật điện ảnh lần này quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hợp tác với doanh nghiệp trong nước trên cả 3 lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh.

Cùng với quy định mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định, dự thảo cũng đề xuất bỏ mức khống chế hạn ngạch nhập khẩu phim vào Việt Nam. 

Đọc tờ trình về việc này trước Quốc hội trong phiên họp ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Anh Tuấn cho biết những sửa đổi, bổ sung này nhằm đảm bảo thực hiện cam kết khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, tạo môi trường pháp lý thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào điện ảnh Việt Nam.

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng việc sửa đổi một số điều của Luật điện ảnh là cần thiết để phù hợp với cam kết WTO và giải quyết những bất cập sau 2 năm thi hành Luật điện ảnh.

Ông Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban cho biết, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban nhất trí cần thiết phải hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trong doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm soát nhập khẩu, phổ biến phim nước ngoài trong bối cảnh không khống chế hạn ngạch nhập khẩu.

Luật hiện hành quy định đối tác nước ngoài chỉ được tham gia hợp tác trên hai lĩnh vực và phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam nhưng lại không hạn chế tỷ lệ vốn góp. Trên thực tế, sau 2 năm thực hiện Luật điện ảnh, một số liên doanh đã có lượng vốn nước ngoài lên đến 80-90%.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng khuyến nghị Nhà nước cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm hoạt động điện ảnh phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau hai năm thực hiện Luật điện ảnh, đến nay cả nước đã có gần 20 cơ sở sản xuất phim tư nhân được thành lập, một số Việt kiều cũng đã đầu tư kinh phí, tham gia sản xuất phim tại Việt Nam.

Cũng trong 2 năm qua, đã có 22 bộ phim truyện, 20 bộ phim tài liệu, khoa học và hoạt hình được cấp phép để các cơ sở sản xuất phim của Việt Nam hợp tác hoặc tổ chức làm dịch vụ sản xuất phim cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. 

Trên 100 đầu phim Việt Nam đã được gửi dự tham dự tại 20 liên hoan phim quốc tế và trên 40 chương trình phim nước ngoài được công chiếu tại Việt Nam trong 2 năm qua là một cơ hội để điện ảnh Việt Nam tiếp nhận những tiến bộ của công nghệ sản xuất phim trên thế giới, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa với các nước.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 18/6 tới./.

Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục