Ngày 17/1, Đại sứ quán Nga tại Mỹ ra tuyên bố nhấn mạnh Moskva sẽ đáp trả thích đáng, nếu Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế đối với truyền thông Nga.
Tuyên bố nêu rõ: “Ngày 13/1 vừa qua các nhà báo Nga kỷ niệm ngày lễ nghề nghiệp của mình. Tại Mỹ, sự kiện này đối với họ đã trở nên ảm đạm bởi một quyết định nữa của chính quyền sở tại ép buộc thêm một phương tiện truyền thông đại chúng của Nga phải đăng ký là đại diện nước ngoài… Chúng tôi nhận thấy trong đó sự bất lực của phương Tây đối với việc cạnh tranh trung thực trong lĩnh vực thông tin... Nếu những biện pháp hạn chế đối với báo chí của chúng tôi vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng."
Tuyên bố còn cho rằng mặc dù các nhà báo Nga hoạt động tại Mỹ bị chèn ép, song Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) không hề lên tiếng phản đối, điều đó cho thấy tổ chức đảm trách nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi nhà báo ở phương Tây cũng rất thiên vị, định kiến và không có khả năng bảo đảm cách tiếp cận bình đẳng trong việc bảo vệ các “tiêu chuẩn thống nhất."
[Tổng thống Nga ban hành luật về các hãng truyền thông nước ngoài]
Ngày 10/1, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu công ty RIA Global LLC đăng ký tư cách đại diện nước ngoài. Trước đó, Mỹ đã liệt kênh truyền hình RT America của Nga vào danh sách đại diện nước ngoài. Đáp lại, Nga cũng liệt 9 cơ quan truyền thông Mỹ vào danh sách đại diện nước ngoài. Theo Bộ Tư pháp Nga, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và RFE/RL - được chính phủ Mỹ bảo trợ - cùng với 7 hãng tin tiếng Nga khác được vận hành bởi RFE/RL, "đang đóng vai trò cơ quan đại diện nước ngoài"./.