Một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác Israel-Mỹ Latinh

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu​ sẽ thăm Argentina, Colombia và Mexico từ ngày 11 đến ngày 15/9 tới đây, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác với Mỹ Latinh.
Một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác Israel-Mỹ Latinh ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại một sự kiện ở Tel Aviv ngày 9/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau những chuyến công du thành công tới Kazakhstan, Singapore, Australia và 5 nước châu Phi trong vòng 13 tháng gần đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ thăm Argentina, Colombia và Mexico từ ngày 11 đến ngày 15/9 tới đây, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác với Mỹ Latinh.

Chuyến thăm của ông Netanyahu diễn ra ngày trước khi ông này tới New Yorkể tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc và đúng vào dịp Israel kỷ niệm 70 năm Liên hợp quốc thông qua kế hoạch phân đất cho Israel, mở đường cho việc thành lập một nhà nước Do Thái vào năm 1948.

Với chuyến công du Mỹ Latinh lần này, Israel đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ ngoại giao và hợp tác thương mại với các nước trên thế giới.

Theo dự kiến, ngoài hội đàm với các Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Colombia Juan Manuel Santos và Mexico Enrique Peña Nieto, ông Netanyahu cũng sẽ gặp Tổng thống Paraguay Horacio Cartes tại Buenos Aires.

Từ trước tới nay, Israel vẫn khá kín đáo trong mối quan hệ với Mỹ Latinh và đây là lần đầu tiên một Thủ tướng đương nhiệm của quốc gia Trung Đông tới thăm khu vực.

Trước đó vào năm 2014, ông Netanyahu từng có kế hoạch thăm Mexico, Panama và Colombia, tuy nhiên, do cuộc đình công của các nhân viên ngoại giao Israel khi đó, chuyến đi đã bị hủy.

Argentina là chặng dừng chân đầu tiên của ông Netanyahu tại Mỹ Latinh và diễn ra đúng vào dịp nước Nam Mỹ tưởng niệm 25 năm Đại sứ quán Israel ở thủ đô Buenos Aires bị đánh bom, khiến 29 người thiệt mạng và 200 người bị thương.

Sau đó 2 năm, một vụ tấn công khủng bố khác nhằm vào trụ sở Hiệp hội Do Thái (AMIA) tại Buenos Aires đã làm 85 người thiệt mạng và 300 người bị thương.

Đây là những vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử Argentina mà theo cộng đồng Do Thái là do Chính phủ Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah tổ chức, thực hiện. Tuy nhiên, cho tới nay, Iran đã bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan.

[Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lần đầu tiên thăm Mỹ Latinh]

Quan hệ giữa Israel và Argentina, quốc gia có cộng đồng người Do Thái sinh sống lớn nhất Mỹ Latinh với 300.000 thành viên, đã được cải thiện nhanh chóng ngay sau khi Tổng thống Mauricio Macri nhậm chức vào tháng 12/2015.

Chỉ ít ngày sau khi ông Macri, người có quan hệ thân thiết với ông Netanyahu lên cầm quyền, Buenos Aires tuyên bố bãi bỏ thỏa thuận được ký dưới thời người tiền nhiệm Cristina Fernandez cho phép Iran tham gia vào tiến trình điều tra vụ khủng bố nhằm vào trụ sở AMIA năm 1994, khiến mối quan hệ giữa Argentina và Irsael trở nên căng thẳng.

Phát biểu ngay trong buổi họp báo đầu tiên sau khi đắc cử hồi tháng 11/2015, Tổng thống Macri cho rằng thỏa thuận với Iran không có lợi cho việc gắn kết người dân Argentina.

Đáp lại tuyên bố này của ông Macri, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ hy vọng với Chính phủ của ông Macri, quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện, góp phần thúc đẩy quan hệ với các quốc gia khác ở Nam Mỹ.

Phát biểu với báo giới hôm 6/9 vừa qua, ông Netanyahu khẳng định đây là chuyến thăm “lịch sử” và Israel đang phát triển quan hệ với Mỹ Latinh, “một thị trường khổng lồ với nhiều quốc gia quan trọng.”

Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao Argentina tuyên bố chuyến công du của người đứng đầu nhà nước Do Thái sẽ đem lại cơ hội tăng cường đầu tư và trao đổi thương mại song phương.

Theo dự kiến, tại Buenos Aires, Thủ tướng Netanyahu sẽ tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trong các vụ đánh bom năm 1992 và năm 1994.

Chính phủ Argentina cũng tuyên bố nhân dịp này sẽ chuyển giao cho Israel khoảng 140.000 tài liệu liên quan tới vụ thảm sát Holocaust trong Thế chiến thứ hai, khiến khoảng 6 triệu người Do Thái thiệt mạng.

Sau chuyến thăm Buenos Aires trong các ngày 11 và 12/9, ông Netanyahu sẽ tới Colombia vào ngày 13/9 và tới Mexico vào ngày 14/9.

Các chuyên gia nhận định, Thủ tướng Netanyahu đang nỗ lực tìm kiếm các đồng minh ủng hộ Israel tại Liên hợp quốc, trong bối cảnh nhiều quốc gia Mỹ Latinh phản đối chính sách thù địch của quốc gia này chống lại người dân Palestine trong đó có Brazil, Venezuela, Bolivia và Ecuador.

Về phần mình, các nước Mỹ Latinh quan tâm tiếp cận công nghệ tiến tiến, ứng dụng khoa học trong phát triển nông nghiệp và hợp tác quốc phòng, an ninh với Israel.

Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Israel sang Mỹ Latinh vượt 550 triệu USD.

Tại Colombia, nơi có khoảng 19.000 người Do Thái sinh sống, Israel dự kiến sẽ ký thỏa thuận hợp tác khoa học và phát triển du lịch.

Tại Mexico, hai bên sẽ ký các chương trình hợp tác nghiên cứu vũ trụ, hàng không và viễn thông.

Có khoảng 150 công ty Israel đang kinh doanh tại Mexico, nơi có khoảng 70.000 người Do Thái đang sinh sống.

Các chuyên gia nhận định chuyến thăm Mexico truyền đi thông điệp việc Mexico bỏ phiếu trắng trong vấn đề Israel xâm chiếm lãnh thổ Palestine năm ngoái hay những tuyên bố của ông Netanyahu, ủng hộ việc xây bức tường ngăn giữa biên giới Mỹ và Mexico của Tổng thống Donald Trump, không làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương.

Chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu cũng diễn ra chỉ ít ngày sau chuyến thăm mới đây của Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Luis Almagro​ tới Jerusalem.

Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, một Tổng Thư ký OAS tới Israel, góp phần củng cố quan hệ giữa nhà nước Do Thái với các nước Mỹ Latinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục