Một góc nhìn khác về cuộc đua chất bán dẫn Mỹ-Trung

Tiến trình "tách rời" và "dung hợp" mà chuỗi sản xuất bán dẫn Mỹ-Trung trải qua chỉ là một "mảnh vỡ" của lịch sử nhân loại, với kết quả là sự đẩy nhanh tiến bộ khoa học của nhân loại.
Một góc nhìn khác về cuộc đua chất bán dẫn Mỹ-Trung ảnh 1(Nguồn: solvay.com)

Liên minh chất bán dẫn Mỹ (SIAC) được thành lập vào tháng 3/2021 đã thuyết phục chính quyền Tổng thống Joe Biden đầu tư 50 tỷ USD để xoa dịu "cơn khát" chip.

Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của "cơn khát" này là nhu cầu đồ điện tử tiêu dùng và điện tử ôtô toàn cầu tăng mạnh, cộng thêm việc tách rời chuỗi sản xuất chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, đã làm rối loạn hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu vốn có. Điều này khiến "cơn khát" chip toàn cầu khó được xoa dịu trong ngắn hạn.

Mỹ thúc đẩy hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó sản xuất chất bán dẫn với quy tắc xuất khẩu độc lập với Trung Quốc. Điều này được cho là sẽ làm hỗn loạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong trung hạn. Tuy nhiên, xét về dài hạn, ảnh hưởng này đối với Trung Quốc là không quá lớn.

Việc sản xuất tấm bán dẫn (wafer) chiếm lượng đầu tư lớn nhất trong chuỗi sản xuất chất bán dẫn, với khoảng 64% tổng chi phí vốn. Năm 2019, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 20% năng lực sản xuất tấm bán dẫn toàn cầu, cao hơn Hàn Quốc (19%), Nhật Bản (17%), Trung Quốc (16%) và Mỹ (13%).

Đài Loan có lợi thế rõ ràng trong việc sản xuất chip logic; 92% năng lực sản xuất chip logic 10nm (tương đương 2% năng lực sản xuất tấm bán dẫn toàn cầu) thuộc về Đài Loan. Đây là sản phẩm cần thiết để hỗ trợ lái xe tự động, trạm gốc thông tin và máy tính hiệu suất cao, nhưng năng lực sản xuất chip logic 10nm của Mỹ và Trung Quốc hiện là số 0.

Ngoài ra, 28% năng lực sản xuất chip logic 10-22nm và 47% chip 28-45nm, 31% chip 45nm cũng thuộc về Đài Loan. Đây là những sản phẩm hỗ trợ rộng rãi cho hoạt động sản xuất đồ điện tử tiêu dùng và điện tử ôtô. Trong ba loại trên, năng lực sản xuất của Trung Quốc lần lượt chiếm 3%, 19% và 23%; Mỹ lần lượt chiếm 43%, 6% và 9%.

[Trung Quốc chiếm hơn 30% thị phần toàn cầu một số mặt hàng công nghệ]

Có thể thấy, năng lực sản xuất của Đài Loan là tiêu điểm của chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, doanh số tại đây lại khá khiêm tốn.

Tổng doanh số chất bán dẫn toàn cầu năm 2019 đạt 412 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ, Trung Quốc và châu Âu lần lượt chiếm 25%, 24% và 20%, Đài Loan chỉ chiếm 1%.

Năng lực sản xuất không phải là vấn đề cấp bách của Trung Quốc

Việc xác định chính xác các thách thức là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn việc Mỹ kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu sáng chế vaccine là để tăng nguồn cung toàn cầu, nhưng do phần lớn các nước không có đủ chuỗi cung ứng nguyên vật liệu toàn cầu và năng lực sản xuất chuyên nghiệp hóa, nên nguồn cung có thể sẽ không tăng lên một cách hiệu quả, thậm chí còn cản trở sự sáng tạo cũng như làm gia tăng độ khó cho việc ứng phó với dịch bệnh ở bước tiếp theo.

Tương tự như vậy, thách thức then chốt của Trung Quốc không phải là năng lực sản xuất. Trước tiên, do có đội ngũ kỹ sư đông đảo và xuất sắc, sản xuất quy mô hóa không phải là thách thức của nước này.

Ước tính đến năm 2030, năng lực sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc sẽ tăng từ mức 15% toàn cầu trong năm 2020 lên 24%, trong khi tỷ trọng của các nền kinh tế khác sẽ duy trì không đổi hoặc giảm xuống, năng lực sản xuất của Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu sẽ từ mức lần lượt là 12%, 22%, 19%, 13%, 9% trong năm 2020 điều chỉnh thành 10%, 21%, 19%, 13%, 8%.

Thứ hai, tất cả các khâu đều có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Ví dụ, vốn chi tiêu thiết kế chip chiếm 13% tổng vốn, trong khi đóng gói và kiểm tra là 13%, vật liệu 6%, thiết bị 3% và tự động hóa thiết kế điện tử và quyền sở hữu trí tuệ (EDA & IP) 1%, tổng cộng chiếm đến 36% tổng vốn chi tiêu của chuỗi sản xuất chất bán dẫn.

Những khâu này phân bổ ở các nền kinh tế khác nhau, chẳng hạn như Hàn Quốc và Mỹ dẫn đầu mảng kinh doanh chip nhớ, Trung Quốc và Hàn Quốc dẫn đầu mảng kinh doanh đóng gói và kiểm tra, Đài Loan và Nhật Bản dẫn đầu mảng kinh doanh vật liệu, Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu mảng kinh doanh thiết bị, Mỹ và châu Âu dẫn đầu mảng kinh doanh EDA&IP.

Do đó, các chuyên gia cho rằng những khâu như thiết kế chip, vật liệu, thiết bị và EDA&IP cô đọng nhiều yếu tố sáng tạo hơn mới là thách thức then chốt của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.

Thứ ba, các doanh nghiệp Đài Loan sẽ tăng cường đầu tư vào thị trường Trung Quốc để cân bằng với các đối thủ cạnh tranh khác. Tháng 4/2021, tập đoàn TSMC tuyên bố mở rộng nhà máy sản xuất thiết bị gốc (OEM) ở Nam Kinh với tổng vốn đầu tư khoảng 2,887 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng liên tục của thị trường Trung Quốc, đồng thời cân bằng năng lực sản xuất của các nhà máy OEM 28 nm mới xây dựng ở Bắc Kinh và Thâm Quyến do Công ty Quốc tế sản xuất bán dẫn Thượng Hải (SMIC) dẫn đầu.

Mỹ và Hàn Quốc không hề "lép vé" nhưng châu Âu lại "hụt hơi"

Trong khi đó, năng lực sản xuất của Hàn Quốc và Mỹ cũng là vấn đề cần được nhắc đến. Chip nhớ thực hiện chức năng lưu trữ cũng được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực điện thoại di động, điện tử ô tô, máy tính và máy chủ.

Các công ty bán dẫn Hàn Quốc (chủ yếu là Samsung, SK Hynix) chiếm đến 44% năng lực sản xuất chip bộ nhớ của thế giới. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có sức ảnh hưởng toàn cầu về năng lực sản xuất chip logic.

Tại Xứ Kim chi, nhu cầu mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn dựa vào trợ cấp của nhà nước và đội ngũ nhân tài. Với việc công ty Samsung sẽ đầu tư khoảng 150 tỷ USD trong 10 năm tới, Hàn Quốc có đủ năng lực sáng tạo và rất có thể sẽ đạt được thành công trên lĩnh vực chip logic.

Trong khi đó, năng lực sản xuất chip của Mỹ cũng không hề yếu với ưu thế lớn nhất là R&D. Điều này khiến doanh nghiệp bán dẫn Đài Loan có mong muốn chủ quan phối hợp với Chính phủ Mỹ để phòng ngừa rủi ro địa chính trị và cạnh tranh công nghệ.

Nhà máy tấm bán dẫn cao cấp 5nm do TSMC đầu tư ở bang Arizona sẽ đi vào sản xuất năm 2023. Thu nhập của Công ty Liên hiệp vi điện tử UMC (doanh thu năm 2020 đạt 6,205 tỷ USD) ở Mỹ và Trung Quốc xấp xỉ ngang nhau, lần lượt chiếm 21,95% và 20,23% doanh thu toàn cầu ở các thị trường ngoài Đài Loan.

Cân nhắc đến các yếu tố chính trị, Chính phủ Mỹ có mong muốn Đài Loan chuyển giao năng lực sản xuất bán dẫn cho Mỹ, tăng cường tích hợp chuỗi sáng tạo và chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ.

Cùng với đó, Mỹ và châu Âu sẽ học hỏi sách lược phát triển của Trung Quốc. Giống như Quỹ công nghệ thông tin và đổi mới (ITIF) của Mỹ, một mặt Washington chỉ trích Trung Quốc là chủ nghĩa trọng thương quốc gia cản trở đổi mới để ngăn chặn dòng vốn toàn cầu chảy vào Trung Quốc, mặt khác kêu gọi sử dụng sức mạnh quốc gia để mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin.

"Đạo luật đổi mới và cạnh tranh Mỹ" sẽ đầu tư hơn 100 tỷ USD để phát triển khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, máy tính hiệu suất cao, thông tin lượng tử, người máy, viễn thông, năng lượng, an ninh mạng, vật liệu, sinh học… Điều thú vị là cuộc cạnh trạnh địa kỹ thuật Mỹ-Trung vô tình đã đẩy nhanh tiến bộ khoa học của nhân loại.

Trong khi đó, châu Âu không còn khả năng đối phó với sức ép lũng đoạn của các ông lớn kỹ thuật số Mỹ. Điều này đang kiềm chế sự đổi mới và công bằng của châu Âu. Tuy nhiên, nếu quá coi trọng sự công bằng thì sẽ giống như chủ nghĩa bảo thủ của Nhật Bản, vừa bảo hộ lại vừa làm chậm sự đổi mới.

Trái lại, Trung Quốc chọn cách vừa đổi mới, mở cửa và cải cách, nghĩa là thực hiện cân bằng giữa bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu là vừa đưa vào cạnh tranh toàn cầu và bảo vệ công bằng xã hội, vừa dựa vào đó để phòng ngừa rủi ro biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu trong trung hạn. Điều này sẽ trở thành sách lược phát triển mà nền kinh tế toàn cầu phải học hỏi.

Không phải một vấn đề quá lớn

Về phương diện đổi mới, Trung Quốc hiểu rằng chỉ có đổi mới mạnh mẽ hệ thống thì mới có thể xây dựng thành công hệ thống chuỗi cung ứng song song với Mỹ. Do đó, thách thức chủ yếu trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc là thiếu nhân tài khoa học cơ bản.

Giáo dục đại học của Trung Quốc lạc hậu so với Mỹ trên các lĩnh vực như toán học, vật lý, hóa học, kỹ thuật điện tử, máy tính, khoa học vật liệu…, nhưng lại đi trước Mỹ và thế giới trên phần lớn các lĩnh vực kỹ thuật truyền thống và khoa học công trình (chẳng hạn như viễn thông, giao thông, năng lượng, máy móc…).

Về phương diện mở cửa, các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến sẽ mở ra nhiều kịch bản thành phố thông minh (bao gồm năng lượng, văn hóa, sức khỏe) liên quan đến tăng tốc thực hiện các kỹ thuật mới, vật liệu mới, công nghệ mới, thiết bị mới hướng đến tương lai như 6G, Internet vệ tinh, ô tô năng lượng mới, Internet năng lượng (IoE), năng lượng hydro, thiết bị đeo được, máy chủ biên.

Về phương diện cải cách, Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao thu nhập bình quân đầu người và thúc đẩy sự thịnh vượng ở nông thôn, tăng cường sức tiêu dùng toàn xã hội, cung cấp các sản phẩm dịch vụ công chất lượng cao, phản ứng nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng xã hội và tự nhiên ở trong nước và toàn cầu.

Về mặt chính trị, Trung Quốc không có ý định thay thế Mỹ lãnh đạo toàn cầu, bởi vì điều này sẽ tiêu tốn sức mạnh quốc gia. Trung Quốc sẽ tham gia quản trị toàn cầu một cách hợp lý với vai trò bổ sung vào hệ thống toàn cầu do Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì đổi mới, mở cửa và cải cách, giúp toàn cầu thụ hưởng thành quả của phát triển.

Có thể nói, sau nhiều thập kỷ sau nhìn lại, chúng ta có lẽ sẽ phát hiện ra rằng tiến trình "tách rời" và "dung hợp" mà chuỗi sản xuất bán dẫn Mỹ-Trung trải qua chỉ là một "mãnh vỡ" của lịch sử nhân loại, với kết quả là sự đẩy nhanh tiến bộ khoa học của nhân loại.

Và nếu so với các thách thức mang tính toàn cầu khác như biển đổi khí hậu, y tế công cộng và sự thay đổi của hệ sinh thái, thì đây không phải là một vấn đề quá lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục