Một lượng kỷ lục nhà đầu tư Nhật Bản ''đổ'' tiền vào tín dụng tư nhân

Tính đến tháng 9/2023, có khoảng 236 tổ chức gồm các Quỹ Hưu trí, Công ty Bảo hiểm và các Ngân hàng khu vực đã “đổ” tiền cho các nhà quản lý vốn tư nhân, nhiều hơn gấp ba lần so với năm 2017.

Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một lượng kỷ lục các nhà đầu tư Nhật Bản đang đổ tiền vào các giao dịch tín dụng tư nhân trong nước nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn tại đất nước đang duy trì lãi suất âm cuối cùng trên thế giới.

Dữ liệu do Preqin tổng hợp cho thấy tính đến tháng 9/2023, khoảng 236 tổ chức gồm các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và các ngân hàng khu vực đã “đổ” tiền cho các nhà quản lý vốn tư nhân trong năm nay, nhiều hơn gấp ba lần so với năm 2017.

Số lượng nhà đầu tư tăng vọt cho thấy lợi nhuận tiềm năng lên tới 10%, so với mức nợ chuẩn của Nhật Bản có lãi suất dưới 1% và chi phí phòng ngừa rủi ro tiền tệ có thể xóa sạch thu nhập từ nợ nước ngoài như trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Mặc dù thị trường tín dụng tư nhân trị giá khoảng 8 tỷ USD của Nhật Bản chỉ chiếm chưa đến 1% tổng vốn toàn cầu, nhưng cũng đang nhận được lực đẩy từ sự gia tăng các hoạt động mua lại dùng đòn bẩy (một hình thức mua lại và sáp nhập doanh nghiệp bằng nguồn tài chính đi vay).

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đang diễn ra nhanh chóng ở Nhật Bản, khi các công ty lớn đang loại bỏ các hoạt động không hiệu quả, trong khi các chủ doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ phải đối mặt với một quá trình và chiến lược để lập kế hoạch thay thế hoặc chuyển giao các vai trò lãnh đạo.

Giám đốc Bộ phận Kế hoạch Đầu tư tại Dai-ichi Life Insurance Co, ông Takatomo Hirano cho biết có rủi ro tín dụng và thanh khoản, nhưng vì đây là các giao dịch của các công ty Nhật Bản nên không có rủi ro ngoại tệ. Các nhà đầu tư có thể nhận được lợi nhuận cao từ những khoản đầu tư bằng đồng yen, so với trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc Tài chính của MCo Corp., một nhà quản lý tín dụng tư nhân, ông Hiroshi Muraocho biết tín dụng tư nhân ở Nhật Bản thường được sử dụng để giải quyết các vấn đề cơ bản mà nền kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt.

Bất chấp tiềm năng lợi nhuận lớn, vẫn có những lo ngại rằng việc kết thúc lãi suất gần như bằng 0 trong nhiều thập niên ở Nhật Bản trong năm 2024 sẽ khiến các công ty gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ. Khoảng 70% số nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ kết thúc chính sách lãi suất âm vào tháng 4/2024.

Nhật Bản chỉ có khoảng chục công ty tín dụng tư nhân, bao gồm MCo, Keystone Partners Co., Topaz Capital Inc., MCP Mezzanine Co. và Fivestar Mezzanine Co.

Tuy nhiên, theo ông Masayoshi Terada, Giám đốc Điều hành tại MCP Mezzanine, đối với một số nhà đầu tư, lợi suất thấp và chi phí phòng ngừa rủi ro cao đang khiến tài sản tín dụng tư nhân trở nên quá hấp dẫn để có thể bỏ qua. Ông cho biết khoảng 40% đối tác hữu hạn của nhà quản lý quỹ tín dụng tư nhân là các quỹ hưu trí, trong khi 20% là các công ty bảo hiểm và phần còn lại là các ngân hàng khu vực.

Ông Terada cho hay các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội hấp dẫn trong các giao dịch tín dụng tư nhân trong nước do chi phí phòng hộ cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà các nhà đầu tư Nhật Bản có thể kiếm được bằng cách đầu tư vào nợ nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục