Một ngày "Đến với Phật, về với Mẫu" ở Tây Thiên

Còn nửa tháng nữa mới vào chính hội Tây Thiên (ngày 15/2 Âm lịch) nhưng mỗi ngày đã có từ 5.000-10.000 du khách "Đến với Phật, về với Mẫu."
Chúng tôi đến với Khu danh thắng Tây Thiên trên địa bàn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vào những ngày cuối tháng Một vừa qua được chứng kiến cảnh du khách thập phương kéo nhau về đây đông vui, nhộn nhịp lạ thường.

Cho dù nửa tháng nữa mới là vào chính hội (nhằm ngày 15/2 Âm lịch) nhưng mỗi ngày đã có từ 5.000 đến 10.000 du khách tìm "Đến với Phật, về với Mẫu."

Xuân về, Tây Thiên được khoác lên mình một màu áo mới bởi nhiều hoa rừng khoe sắc, nhiều cây rừng cũng đang thay lá hàng loạt công trình đã và đang hoàn hiện kế thừa từ truyền thống và hiện đại. Mùa Xuân năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc như được nhân đôi vì ngành "công nghiệp không khói" ấm ủ bao năm giờ đây thành công thực sự và tương lai hứa hẹn đầy triển vọng, lạc quan.

Tọa lạc trong khung cảnh đẹp

Thiên nhiên đã ban tặng cho dãy núi Tam Ðảo một khung cảnh đẹp tuyệt vời, khí hậu ở đây mát mẻ, trong lành với nhiều hoa rừng khoe sắc màu và toả hương thơm ngát. Trong dãy núi Tam Đảo còn có Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 34.995ha; trong đó có hơn 26.160ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên xanh tốt với độ che phủ cao...

Khu di tích danh thắng Tây Thiên có diện tích khoảng 148ha, tọa lạc trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo. Tương truyền từ xa xưa, Ngài Khương Tăng Hội - một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Có đôi câu đối ở đây đã viết rằng: "Tây Thiên khởi nguồn Phật kiếp kiếp truyền đăng tục diện mãi truyền hằng/Yên Tử mở lối thiền đời đời đức hóa lưu phương luôn chuyển khắp.”

Đời vua Hùng thứ sáu tên là Hùng Chiêu Vương lên chùa Thiên Ân (trên đỉnh núi Tam Đảo) để cầu tự khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu - (Bà được sinh ra từ khí thiêng của núi rừng Tam Đảo, chuyên trừ bạo cứu dân, phổ độ dân chúng) đã rước bà về làm vợ.

Ông Phan Văn Phóng, Trưởng Ban Tuyên giáo Vĩnh Phúc, cho biết để phát huy và gìn giữ các giá trị văn hóa, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, những năm gần đây đã được Vĩnh Phúc tập trung nguồn lực đầu tư "ra tấm, ra món" để trở thành nơi du lịch tâm linh và tạo thêm bước đột phá cho du lịch nghỉ dưỡng, nhất là đối với địa bàn Tam Đảo, trong đó có khu nghỉ mát vốn nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Tây Thiên là một quần thể di tích Lịch sử - Văn hóa nổi tiếng, bao gồm hệ thống các đền chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ.

Bên cạnh những ngôi đền nổi tiếng như đền Thượng, đền Thỏng, Tây Thiên còn có đền Cậu, đền Cô… đầy bí ẩn và linh thiêng. Hiện nay, Tây thiên đã được trùng tu tôn tạo hệ thống đền chùa, từng bước khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu.

Chốn linh thiêng này gần đây trở thành điểm thu hút du khách thập phương đến hành hương không những thời điểm đầu năm mới mà còn các tháng trong năm. Họ tấp tập kéo nhau về đây để chiêm bái, cầu mong có nhiều sức khỏe, sự thịnh vượng và an lành.

Đến với Tây Thiên còn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thơ mộng của núi rừng Tam Đảo, được tận hưởng bầu không khí trong lành, được nghe tiếng nhạc rừng từ con suối, chim, thú... xua đi những mệt mỏi, toan tính của mỗi người.

Du lịch tâm linh ấn tượng

Cách vài trăm mét từ chân núi nhìn lên, chúng tôi đã thấy Khu Tây Thiên có một khoảng không gian rộng lớn với hàng trăm hécta, với hàng chục công trình tôn giáo, tín ngưỡng uy nghi, đón mở nằm lọt trong một màu xanh ngút ngàn của cây rừng... Một trong những công trình gây chú ý là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc), đây là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác và là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4/4/2004, khi làm lễ khởi công, trên nền ngôi chùa cổ các nhà sư đã tìm được vô số các viên gạch và mảnh ngói vỡ có hoa văn mang dấu ấn của thời Trần.

Sau hơn 15 tháng xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành vào ngày 25/11/2005. Công trình nằm trên quả đồi với diện tích rộng khoảng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha, nằm trên độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, công trình mang đậm dấu ấn một ngôi chùa Việt Nam với phong cách kiến trúc đương đại. Phía sau chùa là núi rừng xanh tươi, trước là một cánh đồng thẳng cánh cò bay. Hiện nay nhiều gia đình ở Hà Nội gửi con lên đây để các nhà sư dạy đạo làm người, nhất là trong dịp Hè.

Nằm phía bên tay trái cổng Tam Quan dẫn vào Khu trung tâm lễ hội là Đại Bảo tháp Tây Thiên - một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa đang dần hoàn thiện để chào đón Phật tử và du khách về tham dự Lễ hội Văn hóa Tây Thiên năm 2013. Đại Bảo tháp Tây Thiên chính thức khởi công xây dựng vào 16/3 Âm lịch, được thiết kế ba tầng, cao 37m. Trong đạo Phật, bảo tháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa, không khí).

Đến đền Thỏng được coi là “cửa ngõ” dẫn lên khu di tích đền Thượng trên đỉnh núi. Ngôi đền hiện tại được xây dựng vào năm 1998 theo kết cấu chữ đinh trên nền ngôi đền cũ, hướng ra không gian rộng lớn với cây đa chín cội sừng sững trước cửa đền như một chứng nhân lịch sử linh thiêng. Khi lên đền Cậu, ngoài cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ thì đền còn là nơi mà các cặp bạn trẻ đến đây để cầu duyên, cầu tự.

Theo như lời kể của nhân dân, đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh. Chắc chắn đây sẽ là điểm khởi nguồn đầu tiên tốt nhất cho mạch cảm xúc về với Mẫu của mỗi người khi đến với Tây Thiên. Tiếp theo cuộc hành trình, từ đền Cậu đi thêm khoảng 2km nữa sẽ đến đền Cô. Đền Cô được xây dựng từ rất lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé.

Theo như lời kể lại, Cô Bé là con nhà trời, tọa lạc tại đây cùng Mẫu Thiên giúp dân, giúp nước. Bên cạnh đền là suối Giải Oan và một chiếc giếng cổ, rất nhiều khách hành hương từng đến đây đã thừa nhận rằng suối này rất thiêng. Nếu ai lấy nước từ suối hoặc giếng dâng lên cúng rồi uống sẽ thấy trong lòng mình thư thái, thanh thản và tịnh tâm...

Trần Thúy Hằng - một du khách cùng thành phố Biên Hòa tiếp lời rằng đến với Khu Danh thắng Tây Thiên và khu nghỉ dưỡng Tam Đảo có nhiều nét giống như ở Đà Lạt vì cũng có thiền viện, có bầu không khí trong lành, có nền nhiệt độ mát lạnh.. "Được hưởng bầu không khí mát lạnh tụi tôi nhậu hoài không say, ngủ cả đêm không đã con mắt. Xuân về nhiều cảnh vật thiên thiên thay đổi, ngắm nhìn hoài cảnh vật ở Tây Thiên không chán..." Các chàng trai, cô gái phương Nam được thể bày tỏ niềm vui, thổ lộ về chuyến đi như thế.

Để "tiếp sức" du khách lên đền Thượng, một tuyến cáp treo do Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng Tây Thiên đầu tư và đi vào hoạt động đầu năm 2012, với thiết bị được cung cấp bởi hãng POMA của Pháp. Đoạn đường từ ngoài vào đến nhà ga khoảng 1600m được đầu tư 20 xe điện.

Giá vé một chiều cho người lớn là 120.000 đồng, cho trẻ em là 70.000 đồng và giá vé khứ hồi là 180.000 đồng/người lớn, 120.000 đồng/trẻ em; giá xe điện từ đền Thỏng tới chân ga cáp treo là 40.000 đồng/lượt lên và xuống.

Tuy nhiên, theo nhận xét thì cách vận hành chưa được tốt nên còn để xảy ra nhiều bất cập khiến dù  lượng du khách thấp hơn nhiều so với Yên Tử hay Chùa Hương nhưng tổ chức lại có phần chồng chéo, thiếu  kinh nghiệm dẫn đến trường hợp ách tắc đường lên xuống xe điện, cáp.. và hỗn độn ở trạm ga cáp lên xuống.  Chưa kể, việc không bố trí đường ưu tiên riêng, sẽ là một ảnh hưởng lớn nếu có các trường hợp đặc biệt khẩn cấp như cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn...

Liên quan đến vấn đề này, dư luận cũng đề nghị Công ty Lạc Hồng có những cải tiến trong điều hành, tổ chức và khai thác dịch vụ xe điện, cáp để thực sự làm hài lòng du khách tìm đến sự an bình, thanh thản khi về với Phật với Mẫu./.

Nguyễn Trọng Lịch (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục