"Một số đại lý thép kêu khan hiếm hàng là vô lý"

Việc găm hàng chờ tăng giá của một số đại lý không chỉ khiến người tiêu dùng chịu thiệt mà đang tiềm ẩn rủi ro với ngành sản xuất thép.

Thép xuất xưởng có giá thấp hơn của đại lý từ 1 - 1, 5 triệu đồng/tấn và công suất sản xuất thép trong nước khoảng 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 4 triệu tấn, nhưng một số đại lý vẫn kêu "khan hàng" và giá thép bị đẩy lên cao có thể khiến thép ngoại có cơ hội tràn vào thị trường trong nước gây ảnh hưởng đến sản xuất cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Bên lề cuộc họp tình hình sản xuất kinh doanh của Bộ Công thương mới đây, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, việc khan hiếm thép tại 1 số đại lý  thời gian qua sự thật thế nào và Hiệp hội có những giải pháp gì xung quanh vấn đề này?


Ông Phạm Chí Cường:
Hiện cả nước tồn kho trên 200 nghìn tấn thép và 540 nghìn tấn phôi nên việc một số đại lý thép kêu khan hiếm hàng là vô lý. Việc găm hàng chờ tăng giá của một số đại lý không chỉ khiến người tiêu dùng chịu thiệt mà nguy hại hơn đang tiềm ẩn rủi ro đối với chính ngành sản xuất thép trước sức ép thép giá rẻ của nước ngoài đang chờ đợi cơ hội để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Những người phân phối luôn luôn có xu hướng găm hàng để khi có giá cao thì người ta được lợi. Về việc này, chức năng thuộc cơ quan quản lý thị trường và Sở Công thương ở địa phương. Hiện nay, tỷ lệ giữa công suất của nhà máy và lượng tiêu thụ vẫn còn cách rất xa. Cho nên nhà sản xuất rất mong muốn bán được hàng, chứ không phải là người ta muốn găm hàng.

Chúng tôi đã có những cảnh báo nhắc các doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối, kiểm soát lại để tránh tình trạng găm hàng hoặc là gây ra một 1 hiện tượng khan hiếm hàng ảo trên thị trường.

Vậy thưa ông, Hiệp hội thép làm gì để hệ thống phân phối thép giảm bớt khâu trung gian nhằm hạn chế tình trạng găm hàng, tăng giá ảo?


Ông Phạm Chí Cường:
Mỗi doanh nghiệp thép của chúng tôi, doanh nghiệp ít cũng phải có vài chục đại lý phân phối cấp 1, việc quảng bá và công bố tất cả các địa lý đó với người tiêu dùng phải làm tốt hơn. Tôi lấy ví dụ rất rõ như gang thép Thái Nguyên, công ty này có hai mươi mấy cửa hàng ở Hà Nội thì người tiêu dùng phải biết lượng phân phối như thế nào. Nếu cửa hàng nào có hiện tượng găm hàng thì trung tâm phân phối của công ty ấy phải phản ánh và cơ quan quản lý thị trường phải biết việc đó là làm không đúng.

Trong khi chúng ta đang thừa thép thì đại lý lại găm hàng. Điều này đang làm gia tăng mối lo thép nội sẽ càng khó cạnh tranh hơn với thép nhập ngoại giá rẻ, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Phạm Chí Cường:
Thực ra chỉ có thép cuộn nước ngoài là cạnh tranh với thép xây dựng của Việt Nam chứ còn thép cây không cạnh tranh được. Và giá thép Trung Quốc trong xây dựng cũng cao. Nếu mà chịu thuế 15% vào Việt Nam, rồi phí kho bãi, chuyên chở thì không thắng được Thép trong nước.

Cái mà chúng ta băn khoăn nhất là thép cuộn, người ta trợ giá rất nhiều. Khi xuất khẩu nó lại không có nhãn mác nên dễ lẫn với thép của Việt Nam. Còn người tiêu dùng, người xây dựng, họ cứ thấy giá rẻ là mua để có lợi.

Ông dự báo thế nào về giá thép thời gian tới?


Ông Phạm Chí Cường:
Thời gian tới, giá nguyên liệu trên thế giới không tăng. Ví dụ như giá quặng thì Nhật Bản, Hàn Quốc đã ký với các nước xuất khẩu quặng là giảm 30%, 33% so với giá năm ngoái. Thậm chí Trung Quốc còn chưa ký với các nhà sản xuất quặng vì họ đòi giảm đến 40%. Giá nguyên liệu cơ bản sản xuất gang thép của cả thế giới đang thấp như thế, đang hạ như thế thì không có lý gì giá thép Việt Nam lại có thể tăng cao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục