Các tòa án Mỹ có thể ngăn chặn được lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ song không thể khiến tân Tổng thống Donald Trump ngừng lên kế hoạch cho các động thái mới liên quan tới vấn đề nhập cư dưới danh nghĩa bảo vệ sự an toàn cho người dân Mỹ.
Trong khi hàng nghìn người dân gốc Mexico biểu tình phản đối ông Trump vì những phát ngôn chống Mexico và cam kết của ông về việc sẽ buộc Mexico phải chi trả cho việc xây dựng một “bức tường biên giới to đẹp,” thì Nhà Trắng đã khẳng định rằng tân Tổng thống đang cân nhắc về một sắc lệnh mới xúc tiến việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller cho biết sắc lệnh cấm người từ bảy quốc gia Hồi giáo nhập cư vào Mỹ mà ông Trump ban hành hồi cuối tháng Một vừa qua hiện đã không được thực thi và Tổng thống đang “xem xét và tìm kiếm các giải pháp,” bao gồm một sắc lệnh mới liên quan tới vấn đề này.
Ngày 10/2, ông Trump nói rằng có lẽ ông sẽ ban hành một sắc lệnh mới hơn là tiếp tục việc kiện cáo dài lê thê liên quan tới sắc lệnh cấm nhập cư ban đầu.
Ông Miller cho biết: “Chúng tôi có nhiều lựa chọn và chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn đó.” Ông khẳng định rằng Tổng thống có quyền ngăn một số người không được nhập cảnh vào Mỹ. Ông nói: “Chúng tôi đang suy tính các hành động mới, bổ sung để đảm bảo rằng nhập cư không phải là cách để cho những người căm thù người dân và các giá trị của nước Mỹ được vào Mỹ.”
Ông Miller chỉ trích gay gắt phán quyết ngày 9/2 của Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực 9 ủng hộ quyết định ngăn chặn sắc lệnh do ông Trump ban hành của tòa án liên bang thành phố Seattle. Ông Miler cáo buộc Tòa phúc thẩm đã có lịch sử hay vượt thẩm quyền và thay đổi. Ông nói trên kênh Fox News Sunday: “Đây là một sự tiếm quyền. Quyền lực của Tổng thống đang bị đặt dấu hỏi.”
Chính quyền ông Trump bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh với lý do ngăn chặn những kẻ có khả năng là khủng bố nhập cảnh vào Mỹ, mặc dù chưa hề có một hành động khủng bố nào trên đất Mỹ được thực hiện bởi các công dân từ các nước Hồi giáo được nêu trong sắc lệnh.
Hiện Nhà Trắng đã chuyển sang tăng cường chỉ trích hệ thống tòa án. Ông Miller nói trên chương trình Face the Nation của kênh CBS: “Tôi cho rằng nó là lời nhắc nhở quan trọng cho toàn thể người dân Mỹ rằng chúng ta đang có một bộ máy tư pháp nắm quá nhiều quyền lực và trong nhiều trường hợp đã trở thành một cơ quan điều hành tối cao.” Ông nói tiếp: “Một thẩm phán không qua bầu cử ở Seattle không thể ra luật cho toàn liên bang. Tôi muốn nói rằng điều này thật điên rồ.”
Các phát biểu của ông Miller trên một số chương trình truyền hình ngày 12/2 đã được ông Trump hoan nghênh trên trang Twitter là “Rất tuyệt!” đồng thời cũng chỉ trích cá nhân các thẩm phán và gọi tòa án là “có tính chính trị.”
Các chuyên gia pháp lý cho rằng những phát biểu của Chính quyền Trump có thể phá hỏng sự tôn trọng việc phân quyền theo hiến pháp.
Jens Davud Ohlin, giáo sư luật Đại học Cornell, cho rằng việc cáo buộc hệ thống tư pháp tiếm quyền thể hiện “sự thiếu hiểu biết ngớ ngẩn về việc phân quyền.”
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 12/2, ông Ohlin nói: “Ông Miller đang tiến gần tới việc khôi phục lại một học thuyết nguy hiểm và tai tiếng, theo đó mỗi cơ quan trong chính phủ, kể cả tổng thống, đều có quyền độc lập quyết định nội dung các quy định của luật và hiến pháp.” Ông nói tiếp: “Trong hệ thống chính phủ của chúng ta, vị tổng tư lệnh thực thi luật song chính hệ thống tư pháp mới là bên giải thích các luật, quy chế và hiến pháp được Quốc hội thông qua.”
Ilya Shapiro, chuyên gia nghiên cứu hiến pháp tại Viện Cato, cho rằng những phát biểu của ông Trump có thể làm giảm bớt sự tôn trọng trong dân chúng đối với các thể chế luật pháp , bởi nó khiến người Mỹ nghĩ rằng họ "chẳng cần phải tuân thủ những gì thẩm phán nói”./.